Trang

Website mua hàng theo nhóm đầu tiên bị khai tử

Website mua hàng theo nhóm đầu tiên bị khai tử - Thương trường còn hơn chiến trường


Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11.2010, website mua hàng theo nhóm (Groupon) ZingDeal của Cty VNG đã phải tuyên bố đóng cửa từ ngày 8.2.2012.

Tiên phong không hẳn là số 1


Thời điểm ZingDeal chính thức ra mắt tại TPHCM chiều 10.1.2011, phía VNG cho biết sau hai tháng hoạt động thử nghiệm đã bán ra hơn 10.000 phiếu mua hàng và giúp NTD tiết kiệm được 1,4 tỉ đồng. Groupon phát triển mạnh ở Mỹ hơn ba năm qua, khi xâm nhập vào VN thì ZingDeal là người tiên phong.
Thông báo ngừng hoạt động của ZingDeal. Ảnh: T.H.T

Thường thì tiên phong dễ làm nên chuyện, đặc biệt với Cty VNG - DN hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ trực tuyến tại VN với thành công từ cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến, cổng thông tin Zing.vn và mạng xã hội Zing Me. Thế nhưng sau ZingDeal là hàng loạt website groupon khác ra đời, thậm chí có tiềm lực hơn như Nhommua và Muachung. Cả hai website này đều có sự đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài.

Trong vòng hơn một năm trở lại đây, tại VN đã bùng nổ các website groupon với con số 96 website. Trong đó, những “anh hào” thực sự gồm Nhommua và Muachung, cấp thấp hơn là Hotdeal, Dealsoc... Trong tình trạng “trăm hoa đua nở” như thế chỉ trong một thời gian ngắn người tiên phong ZingDeal không những chẳng thể trở thành số 1 mà dần bị chìm vào quên lãng.

Với tuyên bố dựa vào thế mạnh có hơn 5 triệu thành viên từ Zing Me vào thời điểm ra mắt đã trở thành một lập luận đầy chủ quan của VNG. Để so sánh cái hơn và cái thua giữa ZingDeal với những website khác là cả một câu chuyện dài. Song sự khai tử ZingDeal chỉ sau khoảng 15 tháng hoạt động, lại do một DN có thể nói là “đại gia” trong lĩnh vực dịch vụ trực tuyến tại VN nắm giữ, đã cho thấy thương trường groupon còn ác liệt hơn cả chiến trường.

Cá lớn nuốt cá bé


Tại ngày ra mắt phía VNG nhìn nhận: ZingDeal đóng vai trò trung gian giữa nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ với khách hàng, hầu như không có hưởng lợi được gì từ việc mua bán, mà thiên nhiều về các lợi thế marketing cho DN và làm thương hiệu cho website nhằm thu hút món lợi từ quảng cáo sau này.

Cho dù VNG không cho biết nguyên nhân khai tử ZingDeal nhưng từ thực tế và một số nguồn tin cho biết, thời gian qua trước sự cạnh tranh khốc liệt ZingDeal ngày càng hoạt động không hiệu quả, đã thế lại còn làm phân tán nguồn lực của VNG, vì thế VNG đóng cửa một ZingDeal “trái tay” để tập trung cho những lĩnh vực khác “thuận tay” hơn trong năm 2012.

Đến nay chưa một DN groupon nào tại VN tuyên bố hòa vốn chứ đừng nói là có lãi, ngay cả “anh hào” Nhommua hay Muachung. Thế nhưng các “anh hào” này vẫn đang dùng thế mạnh nhiều tiền lắm bạc để đánh bại hoặc thôn tính các website nhỏ và yếu thế trên thương trường theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”. Đến khi thị trường VN chỉ còn vài website groupon thì các “anh hào” sẽ ra tay một khi các DN cần đến họ.

Vì lẽ đó, để tồn tại, các website nhỏ nghĩ ra chiêu “ăn bớt” phần trăm ưu đãi hoặc đẻ thêm phí đối với khách hàng. Điều này đã sinh ra tệ trạng là các sản phẩm và hàng hóa, dịch vụ bán trực tuyến theo nhóm đã không bảo đảm chất lượng, thậm chí có yếu tố lừa dối như dư luận đã phàn nàn trong thời gian qua. Ông Trương Sĩ Ánh - chuyên gia thuộc Cty nghiên cứu thị trường Kantar Media - cho rằng: “Các thông tin về dịch vụ và hàng hóa trên website bán hàng theo nhóm nhiều khi mập mờ. Nếu không bảo đảm cam kết thì mua hàng theo nhóm sẽ bị dập tắt”.

Gần 100 website groupon đang hoạt động nhưng trên thực tế, có thể có không ít website nhỏ đã đóng cửa nhưng không công bố. Việc người tiêu dùng mua hàng từ các website nhỏ này cũng tiềm ẩn những nguy cơ thiệt hại do chất lượng dịch vụ hàng hóa, thậm chí có thể còn bị lừa.
Theo Lao Động

0 nhận xét:

Đăng nhận xét