Tập đoàn Intel (Mỹ) trở thành một trong những nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài có vốn đăng ký lớn nhất tại Việt Nam (1 tỷ USD), Samsung (Hàn Quốc) đặt nhà máy tại Bắc Ninh, Canon (Nhật Bản) khẳng định Việt Nam là thị trường chiến lược khi lần lượt đầu tư 3 nhà máy.
Trong khi đó, Robert Bosch (Đức) đang chờ phê duyệt việc tăng gần gấp đôi vốn đầu tư vào nhà máy sản xuất linh kiện ô tô mới thành lập tại Long Thành Đồng Nai, từ 55 triệu euro lên 100 triệu euro vào năm 2015.
Bên cạnh các khoản đầu tư trực tiếp này, nhiều NĐT khác cũng tham gia đầu tư vào lĩnh vực công nghệ (sản xuất lẫn cung cấp dịch vụ) ở Việt Nam thông qua việc mua lại cổ phần, đầu tư vốn như cách của các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc mua lại toàn bộ một DN tại chỗ. Một khảo sát của Nexus Group cho thấy các thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao tại Việt Nam đã đạt giá trị 111,5 triệu USD, chiếm 4,2% (trong TOP 10 ngành diễn ra M&A mạnh nhất).
Năm 2012, tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước tiềm ẩn nhiều khó khăn, bất ổn. Tuy nhiên, dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ dường như vẫn đang chọn Việt Nam là một điểm đến đầy tiềm năng.
Theo ông Tomoyuki Kimura, Trưởng Đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam: "Năm 2012, tình hình thu hút NĐT nước ngoài (dưới dạng tổ chức) của Việt Nam sẽ không dễ vì vấp phải sự cạnh tranh của nhiều nền kinh tế khác trong khối ASEAN. Tuy vậy, điều này không đồng nghĩa với việc NĐT sẽ quay lưng.
Khảo sát của hãng CNBC mới đây, cho thấy, Việt Nam đang đứng thứ 7 trong TOP 10 thị trường có triển vọng tăng trưởng tốt nhất thế giới (trong bảng xếp hạng này còn có Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Philippines...). Theo đó, với chi phí sản xuất thấp, thị trường trẻ, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều NĐT lớn".
Còn ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cho biết: Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều NĐT, họ thể hiện mong muốn mua lại các công ty sẵn có trong nước để phát triển nhanh hơn, bởi, nếu không nhanh chân, DN Trung Quốc sẽ đến trước. Hơn nữa, giá trị của công ty Việt Nam trung bình chỉ vài triệu USD, sau khi mua lại, DN nước ngoài sẽ có nguồn nhân lực và thị trường. Ngoài ra, đặt chân vào thị trường Việt Nam, tức đặt vào khối ASEAN và nằm cạnh một thị trường tiêu thụ rộng lớn như Trung Quốc.
"Phần lớn các công ty CNTT nước ngoài muốn vào Việt Nam hiện nay đã chọn giải pháp mua lại hoặc sáp nhập (M&A) với những công ty trong nước đang hoạt động. Chẳng hạn như trường hợp của Hewle Packard (HP), họ cũng đã mua lại một công ty trong Công viên Phần mềm Quang Trung (từng làm gia công cho công ty con HP) để tiếp nhận nguồn nhân lực của DN này", ông Dũng nói.
Còn tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP):Năm 2011, SHTP đã tiếp xúc với 65 nhà đầu tư, đối tác nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực: vi điện tử, CNTT, viễn thông, công nghệ sinh học, dịch vụ công nghệ cao, cơ khí chính xác ... và đã có 12 dự án mới với tổng vốn 165,7 triệu USD được cấp phép đầu tư. Lũy kế đến nay tại Khu công nghệ cao đã có 57 dự án đầu tư với tổng vốn 2,03 tỉ USD, số vốn đã giải ngân là 706,6 triệu USD.
Chính vì thế, ông Lê Hoài Quốc - Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) cho rằng: "Năm 2012, dù có những khó khăn do kinh tế bất ổn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, giải phóng mặt bằng chậm ... SHTP vẫn đặt mục tiêu thu hút khoảng 10 - 12 dự án với số vốn 160 triệu USD, giá trị xuất khẩu đạt 1,5 tỉ USD. Đồng thời, triển khai kế hoạch thu hút đầu tư vào Khu không gian khoa học, khu Internet city".
Cùng có chung niềm tin, ông Huỳnh Ngọc Phiên - TGĐ Công ty CP phát triển KCN Amata Việt Nam dự đoán: để đón đầu làn sóng các dự án FDI công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ, Công ty Amata Việt Nam sẽ xây dựng một Khu công nghệ cao 420 ha trong dự án Amata Express có tổng diện tích khoảng 1.300 ha, nằm sát dự án đường cao tốc lên sân bay quốc tế Long Thành, Đồng Nai, tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỉ USD.
Hiện Amata Việt Nam đang cố gắng hoàn tất các thủ tục liên quan đến việc cấp phép tại Đồng Nai, khởi công xây dựng dự án vào đầu năm 2013 với hình thức xây dựng kiểu cuốn chiếu, có mặt bằng tới đâu xây dựng tới đó cho đến khi hoàn thành cả khu đô thị. Thời gian xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao mất khoảng 7 năm và hai khu đô thị hiện đại là khoảng 15 năm.
Tuy nhiên, để thanh công với các dự án công nghệ cao, ông David Đỗ, Giám đốc điều hành Vietnam Investments Groupvẫn cảnh báo: Nhà đầu tư nước ngoài phân loại DN công nghệ ở Việt Nam thành hai dạng: công ty gia công xuất khẩu và công ty CNTT trong nước (có thị trường tiêu thụ nội địa). NĐT thường quan tâm yếu tố nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ và người lãnh đạo DN mà họ nhắm đến, xem người chủ DN có đi theo xu hướng mới hay không; bởi những điều đã mang tính ổn định sẽ khó có cơ hội mang lợi nhuận cao.
Đây cũng là tiêu chí trước đây quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Venture bỏ vốn vào Công ty GES Global (tọa lạc tại Khu công nghệ cao TP.HCM). Bởi, GES là công ty đầu tiên tại Việt Nam nâng cấp thành công máy sản xuất các thiết bị bán dẫn cho đối tác Nhật Bản Tokyo Electron Ltd.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét