Trang

Tạo đột phá phát triển kinh tế

Quá trình tái cấu trúc Doanh nghiệp Nhà nước đòi hỏi phải kiên định, quyết đoán, chấp nhận hy sinh để đạt được mục tiêu cơ bản của tái cấu trúc. Để đánh giá đúng thực trạng của Doanh nghiệp Nhà nước hiện nay, vấn đề cốt lõi là tìm ra những tồn tại đích thực và bất cập của nó.


Cách làm cơ bản là phải có cuộc điều tra để xác định rõ, cụ thể, chuẩn xác thực trạng của Doanh nghiệp Nhà nước, từ đó mới đưa ra được những giải pháp phù hợp. Xin trích đăng ý kiến chuyên gia về vấn đề này.

Phải có quyết Tâm thực hiện - PGS.TS HOÀNG TRẦN HẬU, Phó Giám đốc Học viện Tài chính:

Trong dài hạn (đến năm 2020), Nhà nước chỉ nên tập trung vào chức năng ổn định vĩ mô, duy trì hạ tầng cho sự phát triển. Nhà nước nên đầu tư vào hạ tầng và khoa học công nghệ, vai trò kinh doanh nên để cho các doanh nhân thực thụ thực hiện.

Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước không phải ở số lượng lớn doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ mà ở năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; ở việc nắm giữ các khâu then chốt có khả năng định hướng, điều tiết và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Vì thế, giải pháp thực hiện tái cấu trúc Doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian tới sao cho hiệu quả cần xem xét, nghiên cứu, đánh giá lại mô hình TĐ kinh tế nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực.

Các TĐ kinh tế nhà nước chỉ tập trung vào những ngành nghề chính được giao. Hệ thống các công ty con được thành lập chỉ là những doanh nghiệp đóng vai trò ngành nghề phụ trợ.

Bên cạnh đó phải xóa bỏ các ngân hàng, công ty tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm trong các TĐ kinh tế nhà nước; thoái vốn nhà nước do các Doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ở các định chế tài chính. Vấn đề này cần được sớm giải quyết để khắc phục, ngăn chặn luồng tín dụng “bừa bãi” gây tình trạng nợ xấu cho các TĐ kinh tế.

Quản trị doanh nghiệp quyết định sự sống còn và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế, giúp họ vững vàng, tự tin và chủ động hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững.

Tái cấu trúc Doanh nghiệp Nhà nước với trọng tâm tái cấu trúc TĐ, TCT là hết sức cần thiết vì mô hình TĐ kinh tế hiện nay có rất nhiều vấn đề cần phải xem xét lại. Những biểu hiện thực tế cho thấy nó đã trở nên lỗi thời với sự thay đổi của các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội.

Tái cấu trúc để tạo hệ thống mới, tốt hơn chứ không phải là sự khai tử đối với khu vực Doanh nghiệp Nhà nước. Việc tái cấu trúc sẽ ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến tư tưởng, nhận thức, lợi ích của rất nhiều chủ thể, trong đó có cả nhóm lợi ích. Nhưng nó sẽ là một cuộc cách mạng, tạo đột phá thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước, chúng ta cần quyết tâm thực hiện triệt để.

Tách chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu - TS. ĐẶNG ĐỨC ĐẠM, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh:

Khi Nhà nước vừa quản lý hành chính vừa là chủ sở hữu (CSH) vốn sẽ có sự lẫn lộn và thiên vị trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Vì vậy, cần thiết phải tách riêng cơ quan thực hiện chức năng CSH vốn để tạo sự thống nhất về chính sách và bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Để thực hiện chức năng đại diện CSH vốn nhà nước tại các Doanh nghiệp Nhà nước, không nên giao bộ, UBND cấp tỉnh trực tiếp làm đại diện. Thay vào đó, nên thành lập một cơ quan nhà nước chuyên trách giám sát và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Mô hình thực hiện chức năng đại diện CSH vốn nhà nước nên có 2 cấp.

Ở cấp doanh nghiệp, chức năng đại diện CSH vốn nhà nước được thực hiện chủ yếu thông qua các TCT đầu tư tài chính nhà nước tương tự như SCIC và các TĐ kinh tế nhà nước. Cùng với việc kiện toàn SCIC đang hoạt động hiện nay, tùy theo nhu cầu nên thành lập thêm một số TCT đầu tư tài chính nhà nước kiểu như SCIC để có thể làm đầu mối thực hiên chức năng đại diện CSH vốn nhà nước ở tất cả các TCT và Doanh nghiệp Nhà nước độc lập.

Ở cấp này, việc quản lý vốn nhà nước được thực hiện chủ yếu thông qua phương thức đầu tư vốn; các công ty mẹ của TĐ, TCT đầu tư vốn vào các công ty con, và quản lý các công ty con với tư cách là đại diện CSH vốn nhà nước đã đầu tư vào công ty con đó.

Ở cấp quản lý nhà nước, chức năng đại diện CSH vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện tập trung bởi một cơ quan nhà nước chuyên trách giám sát và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cơ quan này được giao quản lý trực tiếp các TĐ, TCT và các SCIC, có chức năng chuyên trách, tập trung và thống nhất thực hiện quyền CSH nhà nước tại các doanh nghiệp với vai trò cổ đông, thành viên hoặc CSH công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Cơ quan đặc trách quản lý vốn nhà nước này không có chức năng quản lý hành chính nhà nước, không tham gia hoạch định chính sách (trừ những chính sách áp dụng riêng cho khu vực Doanh nghiệp Nhà nước).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét