Xuất phát điểm của sở hữu chéo cổ phần giữa các ngân hàng không bắt nguồn từ mục tiêu lợi nhuận, thâu tóm, sáp nhập, hợp nhất như đang thịnh hành hiện nay. Tuy nhiên tình trạng sở hữu chéo cổ phần đang đưa tới việc tạo ra những liên minh ngân hàng, khiến cho việc quản lý của Nhà nước trở nên phức tạp. Nếu không được kiểm soát đúng mức, nguy cơ rủi ro hệ thống không phải là không có.
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank. Ngân hàng này hiện là tổ chức tín dụng sở hữu nhiều nhất cổ phần của những ngân hàng khác |
Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank hiện là tổ chức tín dụng sở hữu nhiều nhất cổ phần của những ngân hàng khác. Sau khi thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Gia Định (tên mới là Bản Việt - Viet Capital Bank), Vietcombank đang còn là cổ đông của SaigonBank, Eximbank, Quân đội, Phương Đông... với tỷ lệ nắm giữ tại mỗi nơi khác nhau.
Việc tham gia của Vietcombank vào những tổ chức tín dụng đó là dấu ấn của quá khứ. Nhiều năm trước, khi việc thành lập hệ thống ngân hàng cổ phần được thực thi, Nhà nước chủ trương phải có đại diện của mình trong mỗi ngân hàng và Vietcombank đã góp vốn với tư cách cổ đông nhà nước.
Sự hiện diện của Vietcombank nhằm mục đích giúp Nhà nước hạn chế những hoạt động vượt ra ngoài khuôn khổ pháp lý nếu có từ phía các ngân hàng cổ phần. Trong bối cảnh bấy giờ, sự thận trọng này là cần thiết. Ngoài ra xét từ góc độ nghiệp vụ, Vietcombank đã chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh với tất cả các ngân hàng họ góp vốn, thậm chí chia sẻ cả nhân lực. Trong đội ngũ lãnh đạo của không ít ngân hàng hiện tại, một số người gốc gác là từ Vietcombank.
Xuất phát điểm của sở hữu chéo cổ phần giữa các ngân hàng, như vậy, không bắt nguồn từ mục tiêu lợi nhuận, thâu tóm, sáp nhập, hợp nhất như đang thịnh hành hiện nay. Những năm 2006-2007, một số ngân hàng cổ phần góp vốn vào việc khai sinh những ngân hàng mới ở vai trò cổ đông lớn. Theo Luật các tổ chức tín dụng, họ chỉ được sở hữu tối đa 11% vốn của một ngân hàng. Để lách quy định trên, có ngân hàng lập các công ty con, công ty liên doanh, liên kết và các công ty này cũng trở thành cổ đông của ngân hàng mới. Kết quả là những nhóm cổ đông có mối quan hệ ràng buộc đã khống chế hoạt động của ngân hàng nơi họ sở hữu cổ phần chi phối.
Cơ chế “xóa sổ” sẽ hình thành?
Sở hữu chéo cổ phần về bản chất không đơn giản chỉ là giữa các ngân hàng. Nó liên quan đến các doanh nghiệp, nhất là một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước - những đơn vị đang bắt buộc thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Trong đợt xếp loại các tổ chức tín dụng vừa qua, thành phần của nhóm 4 (nhóm yếu kém, không được tăng trưởng tín dụng trong sáu tháng đầu năm) bao gồm chủ yếu các ngân hàng mới ra đời và cá biệt có ngân hàng lâu năm nhưng vướng vào các khoản nợ xấu lớn.
“Rút ruột” là thành ngữ phổ biến hiện nay đề cập đến việc các nhóm cổ đông sở hữu chéo cổ phần ngân hàng vay mượn lẫn nhau trong mối quan hệ chằng chịt, khiến cho việc thu hồi vốn khó khăn và nợ xấu tiềm ẩn cao hơn bao giờ hết.
Việc rút vốn của doanh nghiệp sẽ để lại khoảng trống về năng lực tài chính của những ngân hàng nhóm 4. Tuy nhiên vấn đề không dừng lại ở đấy. Tháo gỡ sở hữu chéo đòi hỏi trước hết phải xử lý nợ xấu. Khi nợ xấu đã giải quyết xong, những ngân hàng này cũng không thể tự đứng trên đôi chân của mình do năng lực quản trị và sức cạnh tranh yếu. Họ phải sáp nhập vào những ngân hàng khác và sự biến mất của một số cái tên là điều không tránh khỏi.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần kể: “Chúng tôi được gợi ý xem xét ngân hàng X. Công bằng mà nói ngân hàng này có bộ máy nhân sự và mạng lưới không đến nỗi nào, nhưng nợ xấu lớn quá. Giải quyết xong là coi như hết vốn điều lệ, chúng tôi đành từ chối”.
Hầu hết ngân hàng cổ phần lành mạnh không muốn “dính líu” đến ngân hàng nhóm 4. Bây giờ Ngân hàng Nhà nước chỉ còn trông cậy vào Vietinbank, BIDV, Vietcombank để thực hiện tiến trình tái cơ cấu. Sở hữu chéo sẽ được giải quyết dứt điểm. Không còn cơ chế, thí dụ Vietcombank, nắm giữ bao nhiêu phần trăm cổ phần ngân hàng X nói trên, mà là Vietcombank mua ngân hàng đó theo giá trị còn lại được kiểm toán xác định, sau đó có thể gộp lại, ghi nhận tăng vốn điều lệ cho Vietcombank, còn ngân hàng kia bị xóa sổ. Nếu đó là ngân hàng niêm yết, khả năng sẽ bị hủy niêm yết trước khi bị mua là điều có thể xảy ra.
Không giống như giữa các doanh nghiệp, công ty bị mua trở thành công ty con của đơn vị đi mua, ngân hàng bị mua có thể bị cơ cấu lại, trở thành chi nhánh của ngân hàng đi mua. Tại sao ư? Tại vì không thể tồn tại một ngân hàng con trong khuôn khổ một ngân hàng lớn kiểu ngân hàng mẹ - ngân hàng con được. Một ngân hàng thương mại là một khối thống nhất, nó có thể có các công ty hoạt động chuyên về nghiệp vụ riêng như công ty mua bán nợ, khai thác tài sản; công ty cho thuê tài chính; công ty chứng khoán...nhưng không thể có ngân hàng X trực thuộc Vietcombank chẳng hạn.
Sở hữu chéo và nhóm lợi ích
Vào cuối năm ngoái Việt Nam có 37 ngân hàng TMCP. Sau khi SCB, Tín Nghĩa, Đệ Nhất hợp nhất, còn lại 35 ngân hàng. Trong số này, như tuyên bố của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, có mươi ngân hàng không lành mạnh, cần tiếp tục tái cơ cấu. Khoảng 20-25 ngân hàng cổ phần là số lượng mà cơ quan quản lý cho rằng thích hợp và hướng tới.
Tình trạng sở hữu chéo cổ phần đang đưa tới việc tạo ra những liên minh ngân hàng, khiến cho việc quản lý của Nhà nước trở nên phức tạp. Một mặt những ngân hàng liên kết có thể tạo dựng sức cạnh tranh mạnh hơn trong việc hợp vốn cho vay dự án tầm cỡ, hỗ trợ thanh khoản lẫn nhau, chia sẻ thông tin về khách hàng... Mặt khác, nếu không được kiểm soát đúng mức, nó cũng tạo điều kiện cho việc cho vay tập trung vào những đối tượng có quan hệ với cổ đông lớn, dồn tín dụng cho những lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán. “Rút ruột” là thành ngữ phổ biến hiện nay đề cập đến việc các nhóm cổ đông sở hữu chéo cổ phần ngân hàng vay mượn lẫn nhau trong mối quan hệ chằng chịt, khiến cho việc thu hồi vốn khó khăn và nợ xấu tiềm ẩn cao hơn bao giờ hết.
Từ liên minh đến hình thành những nhóm lợi ích trong lĩnh vực ngân hàng là khoảng cách ngắn. Trong khi các cơ quan quản lý cấp bộ, ngành có xu hướng tiếp thị chính sách để việc ban hành chúng gần hơn với thực tế cuộc sống, thì các nhóm lợi ích tỏ ra không kém sắc sảo trong vận động hành lang nhằm làm cho cơ chế, chính sách nghiêng về phía bảo vệ quyền lợi của họ.
Nếu cơ chế càng không minh bạch, công khai, nhóm lợi ích càng dễ hiện hữu. Thí dụ gần nhất là phân loại ngân hàng. Có tổ chức tín dụng đang là con nợ của những khoản vay lớn liên ngân hàng, vừa được tái cấp vốn nhưng vẫn được tăng trưởng tín dụng ở mức 15%. Có ngân hàng nợ xấu thấp, chấp hành nghiêm chỉnh quy định, không bao giờ vi phạm trần lãi suất hay tỷ lệ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích...song vẫn chỉ được tăng trưởng tín dụng 8%. Và trên hết, dư luận vẫn chưa thể biết một cách chính xác nhóm bốn cụ thể có tên những ngân hàng nào. Một ngân hàng khi được hỏi về hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay đã trả lời thế này: “Chỉ tiêu tăng trưởng của chúng tôi dưới 15%”. Lập lờ như thế khiến dư luận có thể hiểu ngân hàng đó thuộc nhóm 2, 3 hay 4 cũng đều được cả.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét