Trang

Vinaphone-Mobiphone sáp nhập là tin chưa chính xác

Trên các báo ngày 21/3 tràn ngập thông tin về Vinaphone-Mobiphone; các tin tức khác: MobiFone dùng 3G phủ WiFi miễn phí trên xe bus; Đọc eBook – tập đọc sách có bản quyền…

Tin Vinaphone-Mobiphone sáp nhập là tin chưa chính xác


Trước thông tin cho rằng, hai nhà mạng VinaPhone và MobiFone sáp nhập, chiều 20/3, trao đổi với phóng viên TTXVN, Thứ trưởng Bộ TTTT Lê Nam Thắng khẳng định đó là thông tin không chính xác. Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết thêm, Bộ TTTT được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xem xét đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực viễn thông, trong đó có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Quá trình tái cơ cấu này hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng các phương án phù hợp, Bộ hoàn toàn chưa có bất cứ quyết định cũng như xem xét phương án cụ thể nào để trình Chính phủ vào thời điểm này. Việc tái cơ cấu lại toàn bộ ngành viễn thông nói chung và VNPT nói riêng cần được tiến hành sức thận trọng bởi hoạt động này có ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp, người lao động trong ngành cũng như người sử dụng dịch vụ viễn thông. Để có phương án tái cơ cấu hiệu quả nhất, Bộ TTTT sẽ tiến hành xem xét, thẩm định kỹ lưỡng các phương án, lấy ý kiến các bên liên quan rồi từ đó mới có ý kiến cụ thể trình Chính phủ quyết định.

Theo quan điểm của Bộ TTTT thì việc tái cơ cấu lại ngành viễn thông, trong đó có VNPT phải dựa trên nhiều nguyên tắc. Trong đó, việc tái cơ cấu phải đảm bảo các doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, sức cạnh tranh mạnh hơn, tạo điều kiện cho thị trường viễn thông Việt Nam phát triển bền vững. Phương án tái cơ cấu phải được xem xét tổng thể trên bộ toàn thị trường viễn thông nước ta để đảm bảo lợi ích cho toàn xã hội, hoạt động của doanh nghiệp vẫn ổn định, dịch vụ, không gây xáo trộn, ảnh hưởng tới người dân đang sử dụng dịch vụ. VinaPhone và MobiFone đều là doanh nghiệp của Nhà nước do VNPT quản lý. Cùng với Viettel, VinaPhone và MobiFone được đánh giá là 3 mạng viễn thông mạnh nhất ở Việt Nam hiện nay. ( Vietnam Plus 21/3/2012)

MobiFone dùng 3G phủ WiFi miễn phí trên xe bus


MobiFone đã thử nghiệm 8 bộ chuyển đổi từ sóng 3G thành WiFi lắp đặt trên xe bus Hoàng Long để cung cấp miễn phí cho khách hàng. Ông Nguyễn Trọng An, Giám đốc Trung tâm 5 của MobiFone cho biết, bắt đầu từ tháng 8/2011 MobiFone đã thử nghiệm đưa thiết bị chuyển đổi từ sóng 3G thành WiFi trên xe bus Hoàng Long tuyến Hà Nội - Hải Phòng. MobiFone đang quảng cáo “Trải nghiệm 3G cùng MobiFone”, dịch vụ có tên MobiFone3G cung cấp WiFi cho các chuyến xe của VIP Hải Âu. Bước đầu, dịch vụ này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhà xe cũng như hành khách. Trong một chủ đề trên diễn đàn tinhte.vn, thành viên culebarca104 nhận xét: “Hôm nay em mới đi từ Hải Phòng lên Hà Nội thấy giới thiệu dịch vụ này. Vào mạng tốc độ khá tốt”. Chị Hà, nhân viên văn phòng VIP Hải Âu tại bến xe Gia Lâm cho biết: “MobiFone cho nhân viên đến lắp thiết bị phát WiFi trên tất cả các xe Hải Âu. Nhưng trong tổng số 6 xe đã có 1 xe hỏng hẳn WiFi. Thiết bị phát WiFi bị hỏng đã được tháo ra, hiện xe 16N-5413 không có WiFi.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng dich vụ WiFi và 3G tăng rất nhanh, số khách hàng sử dụng các thiết bị như smartphone, laptop, tablet... ngày càng đông đảo. MobiFone có thể đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng với dịch vụ 3G của mình. Từ cuối năm 2011 đến nay, nhu cầu sử dụng dịch vụ 3G của khách hàng tăng rất mạnh. Ông Nguyễn Trọng An cho biết, ngoài nhu cầu của khách hàng cá nhân thì đã có nhiều doanh nghiệp bắt đầu sử dụng các dịch vụ 3G. Đã có doanh nghiệp vận tải muốn sử dụng dịch vụ định vị theo dõi hành trình của xe ô tô trên nền tảng 3G của MobiFone. MobiFone khu vực 5 đang triển khai rất mạnh việc mở rộng vùng phủ sóng 3G tại các địa phương trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. (ICTnews 21/3/2012)

Môi trường kinh doanh trên Internet tại Việt Nam còn nhiều thách thức


Nhiều doanh nhân công nghệ hàng đầu tại Việt Nam khẳng định các công ty nội địa còn đang phải đối đầu với quá nhiều rào cản khi gia nhập và kinh doanh trên thị trường. Dù tiềm năng của thị trường Internet tại Việt Nam không hề nhỏ, những doanh nhân đi đầu ngành công nghệ Việt Nam còn phải vượt qua không ít trở ngại. Hệ thống giáo dục tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, chủ yếu sinh viên công nghệ phải tự học. Từ khi là học sinh cấp 3, Nguyễn Hòa Bình đã tiết kiệm tiền ăn sáng để mua sách lập trình. Năm 2011, người thanh niên 31 tuổi này đã bán 20% cổ phần tại PeaceSoft, công ty chuyên kinh doanh sản phẩm trực tuyến, cho eBay.

Hồ Minh Đức, người sáng lập ra công cụ tìm kiếm trực tuyến bằng ngôn ngữ tiếng Việt đầu tiên cùng với 4 người bạn từ thời tiểu học, học chuyên ngành CNTT tại trường đại học thế nhưng người thanh niên 29 tuổi khẳng định anh học được từ đồng nghiệp và bạn bề nhiều hơn từ các thầy cô giáo, người chỉ toàn dậy lý thuyết. Công ty Socbay của anh hiện đang đặt trụ sở tại một trong những con phố khá sầm uất của Hà Nội. Anh Đức khẳng định nhóm người sáng lập ra công ty muốn sử dụng vốn hiểu biết về văn hóa Việt Nam cũng như ngôn ngữ tiếng Việt để phát triển công cụ tìm kiếm tốt hơn dành riêng cho người Việt chứ không muốn những công cụ do nước ngoài phát triển. Năm 2006, đại diện của Google đã đến gõ cửa công ty, và đưa ra lời đề nghị trị giá 5 triệu USD dành cho nhóm người sáng lập, ngoài ra còn chấp thuận dành cho họ quyền mua cổ phiếu cùng lương tổng trị giá khoảng 8.000 USD/tháng.

Anh Đức nói: “Nếu chúng tôi gia nhập Google, chúng tôi hẳn đã học được nhiều. Thế nhưng chúng tôi đã từ chối bởi cái giá quá rẻ mạt và chúng tôi muốn phát triển công nghệ Việt để đáp ứng nhu cầu của người Việt.” Anh Phùng Tiến Công, một doanh nhân Internet 32 tuổi, người từng sáng lập ra website chuyên dịch vụ hẹn hò và âm nhạc, khẳng định: “Tại Việt Nam, bạn cần rất nhiều mối quan hệ”. Gần đây, anh đã đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng nội dung số tại tập đoàn MV hiện đang nỗ lực phát triển nhiều ứng dụng sử dụng trên di động. Công ty công nghệ như VNG cho đến nay có độ phủ khá lớn tại Việt Nam. Công ty đã thu hút được tới 18 triệu người dùng đến với sản phẩm trò chơi, mạng xã hội, nhạc và trang tin tức, tương đương khoảng 60% người dùng Internet tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Bảo Hoàng (Henry Nguyen), Tổng Giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm IGD Ventures, cho rằng: “Quy định như hiện nay có lợi cho nhóm công ty nước ngoài nhưng phần nào tạo bất lợi cho nhóm công ty tại Việt Nam”. Nhiều doanh nhân lo lắng về tốc độ thay đổi hiện nay: “Công nghệ biến đổi nhanh và các công ty địa phương đối mặt với nhiều khó khăn. Chúng tôi chưa có đủ người, kinh nghiệm và một hệ thống xung quanh để giúp chúng tôi tăng trưởng hơn.” (Theo TTVN/FT 21/3/2012)

Đọc eBook – tập đọc sách có bản quyền


Sự xuất hiện của một số ít ỏi gian hàng sách điện tử (eBook) tại hội sách TP.HCM lần 7 cho thấy thị trường này vẫn là một khoảng trống lớn đang chờ đợi các nhà cung cấp. Lọt thỏm giữa hội sách là gian hàng của Công ty Alezaa cung cấp dịch vụ sách số có bản quyền và một gian của trung tâm sách điện tử Ybook (NXB Trẻ), nhưng cũng mới ở mức trình diễn giới thiệu cho khách tham quan. Lác đác thêm một vài đơn vị giới thiệu thiết bị đọc sách điện tử (e-Reader) kết hợp hướng dẫn cài đặt phần mềm đọc và tặng sách như TiKi.vn, Dook.vn… Trước đó, hồi tháng 1/2012, Appstore.vn đã thỏa thuận với NXB Thời Đại mua hơn 1.000 đầu sách do nhà xuất bản này nắm giữ, cùng với sách của AlphaBooks, VNN Plus. Appstore.vn đã trở thành một nhà phân phối eBook bản quyền lớn nhất tại Việt Nam. Một đại diện của NXB Thời Đại cho biết, mặc dù phiên bản sách điện tử được bán với giá chỉ bằng 10 – 30% sách in, nhưng so với những chi phí cố định của sách in thì việc bán sách điện tử vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.

Xu hướng đọc eBook tại Việt Nam đã hình thành khá rõ nét từ sau khi máy tính bảng, thiết bị đọc sách điện tử (e-Reader) chuyên dụng và các dòng smartphone xuất hiện trên thị trường vào năm 2010. Trước đó, nhu cầu này đã có nhưng chủ yếu là trong các thư viện và phần lớn sách sử dụng chưa có bản quyền. Tại hội nghị tổng kết công tác xuất bản và phát hành sách năm 2011 do Bộ TTTT tổ chức vào sáng 19/3, bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Thư viện Quốc gia cho biết, nhu cầu truy cập sách điện tử tại thư viện này cao gấp ba lần sách truyền thống mỗi ngày, trong khi nguồn sách điện tử hiện nay không có đủ để đáp ứng. Hiện các nhà xuất bản lớn như Giáo Dục, Kim Đồng, Trẻ… đều có kế hoạch số hóa các kho dữ liệu sách đồ sộ của họ để đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

Theo ông Cao Xuân Sơn, Giám đốc Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP.HCM, công nghệ hiện nay cho phép đồng bộ tất cả các thiết bị (máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng hay điện thoại di động…) để bạn đọc có thể chuyển đổi thiết bị đọc dễ dàng. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất khiến các nhà làm sách vẫn còn e dè là bản quyền. Trên thực tế, nhiều cuốn sách chưa kịp đưa đi in đã có bản điện tử xuất hiện trên mạng. “Việc nhanh chóng đưa ra các quy định pháp luật về quản lý loại hình sách điện tử do nhu cầu thị trường đang phát triển là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải hình thành ý thức tôn trọng bản quyền ở người đọc, nhất là thế hệ những người đọc trẻ ngay từ bây giờ”, ông Sơn nói. (Sài Gòn Tiếp thị 21/3/2012)

The Voice Việt Nam: Bắt đầu Thử giọng trực tuyến


Cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc mang tên Giọng hát Việt được sản xuất từ phiên bản The Voice (Hà Lan) bước vào vòng thi Thử giọng trực tuyến từ 20/3 tới 7/5/2012. Vòng Thử giọng trực tuyến sẽ được diễn ra trên hệ thống website chính thức của Giọng hát Việt tại địa chỉ: www.gionghatviet.vn. Tất cả quy trình của vòng Thử giọng trực tuyến được hướng dẫn một cách chi tiết nhất với một giao diện thân thiện mà bất kỳ ai cũng có thể hiểu. Tất cả những bản thu âm sẽ được một Hội đồng giám khảo riêng của vòng Thử giọng trực tuyến lựa chọn và tất cả những tiết mục được lựa chọn sẽ được đặc cách vào vòng 2 trong khuôn khổ Vòng sơ tuyển tại các tỉnh thành.

Có thể hình dung lại một cách đơn giản là: Vòng sơ tuyển bao gồm Sơ tuyển 1 và Sơ tuyển 2. Các thí sinh được chọn lựa ở vòng Thử giọng trực tuyến này sẽ được đặc cách vào thẳng vòng Sơ tuyển 2. Sau khi thử thách 1 lần nữa ở vòng Sơ tuyển 2, thí sinh sẽ chính thức bước vào vòng thi Giấu mặt với sự chấm điểm, chọn lựa trực tiếp của dàn BGK bao gồm Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh, Trần Lập. Với cách thức này, các thí sinh không tham gia ở vòng Thử giọng trực tuyến cũng sẽ không có gì lo ngại về sự mất công bằng. Vì dẫu có được chọn ở vòng Thử giọng trực tuyến thì họ cũng sẽ phải vượt qua vòng Sơ tuyển 2 (hát trực tiếp) trước khi có mặt chính thức ở vòng Giấu mặt. (Dân Trí 21/2/2012).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét