Trang

Đầu tư vào CNTT: Hấp dẫn nhưng nhiều thách thức

Đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin dù được dự báo là đầy khả quan nhưng doanh nghiệp vẫn sẽ gặp không ít thách thức.
Trong "Ngày hội các nhà đầu tư" do tạp chí Doanh Nhân, Vinabull và công ty LeBros tổ chức hồi giữa tháng 2 tại TP.HCM, ông David Đỗ Dũng, Giám đốc điều hành Quỹ VIG (Vietnam Investments Group) nhận định, sức hấp của lĩnh vực CNTT đến từ các phân mảng khác nhau và doanh nghiệp cụ thể.

Ví dụ, nhân tố quyết định sự sống còn của CNTT là nguồn nhân lực. Trong khi, đa phần (2/3) nhân lực trong ngành CNTT Việt Nam lại nằm trong khu vực gia công phần mềm phục vụ nhu cầu thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, điều này lại không phải là ưu tiên của các nhà đầu tư quốc tế. Ông Dũng nhấn mạnh: "Hai yếu tố mà các nhà đầu tư chú ý là thị trường trong nước và nguồn lực có sẵn để triển khai nhanh".


Quỹ đầu tư: Thận trọng trở lại

Dựa vào quan điểm trên, ông David Đỗ Dũng cho biết, dịch vụ thương mại điện tử được xem là một trong những lĩnh vực tiềm năng, thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư, vì hiện nay Internet ở Việt Nam đang tăng trưởng nhanh. "Lượng người dân sử dụng internet ngày càng nhiều là cơ hội tốt để phát triển dịch vụ này", ông Dũng nói. Ngoài ra, dịch vụ giá trị gia tăng dùng trong viễn thông, nội dung số cũng là những lĩnh vực tiềm năng của thị trường Việt Nam. Mới đây, Tập đoàn NTT Docomo, hãng cung cấp dịch vụ viễn thông di động lớn nhất Nhật Bản tuyên bố, đã đầu tư vào Công ty Sản xuất dịch vụ nội dung lớn nhất Việt Nam là VMG Media, nhằm mở rộng dịch vụ của hãng này tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, với thương vụ này, nhà đầu tư Nhật Bản muốn nhắm tới mục tiêu sản xuất dịch vụ nội dung cho mạng di động. Hiện VMG đang tập trung phát triển các dịch vụ nội dung cho mạng di động 3G và sắp tới là 4G.

Theo đánh giá của ông ông Bùi Thiện Minh, nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, đơn vị chiếm 29% cổ phần trong VMG Media, nhà đầu tư Nhật Bản này hoàn toàn có lợi thế dựa trên các yếu tố về công nghệ và quản trị rủi ro, chưa kể đến lợi thế đầu tư vào một thị trường dịch vụ giá trị gia tăng cho mạng di động khá màu mỡ mà các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa biết cách khai thác.

Cách đây không lâu ba tập đoàn đầu tư là IDG Ventures Việt Nam, Rebate Networks và Ru-Net Global cũng đã chung tay thỏa thuận rót 60 triệu USD vào MJ Group, chủ sở hữu của Diadiem.com và Nhommua.com. Đây cũng là thương vụ đầu tư "khủng" nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt dành cho công ty kinh doanh theo loại hình mua theo nhóm và thương mại điện tử. Với sự hậu thuẫn về tài chính và hỗ trợ về kinh nghiệm của IDG Ventures Việt Nam - quỹ đầu tư vào công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam, nhà khai thác mạng hàng đầu thế giới của Đức Rebate Networks và Quỹ đầu tư Ru-Net Global, David Trần, Giám đốc Điều hành nhommua.com tự tin cho biết, họ sẽ biến nhommua.com thành "người giữ vai trò thiết lập xu hướng ở Việt Nam, bằng cách chú trọng thực sự vào nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp".

Rủi ro tiềm ẩn và tỷ lệ thất bại lớn đến hơn 50% khi đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam

Thực tế, thị trường công nghệ thông tin Việt Nam từng đón làn sóng đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin từ 5-6 năm trước với các quỹ đầu tư như: IDG Ventures, quỹ đầu tư mạo hiểm MeKong, Dragon Capital, VinaCapital. Sau đó, thị trường chứng kiến một giai đoạn khá trầm lắng. Sự trở lại của các quỹ đầu tư trong thời gian gần đây là một dấu hiệu tích cực cho thị trường công nghệ thông tin Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, với tính chất rủi ro tiềm ẩn cao và tỷ lệ thất bại lớn (trên 50%), các quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam hiện cũng đã thay đổi quan điểm đầu tư của họ. Đầu tư mạo hiểm, theo lý thuyết truyền thống là dự án phải có công nghệ mới, ý tưởng marketing mới và các sản phẩm mới có khả năng ứng dụng trong cuộc sống. Khác với các quĩ đầu tư thông thường, các quỹ đầu tư mạo hiểm chỉ đòi hỏi những cái thuộc về ý tưởng và triển vọng mà không nhất thiết phải trình ra các báo cáo lãi lỗ hay bảng cân đối kế toán của công ty. Dĩ nhiên, rủi ro lớn sẽ kèm theo những lợi nhuận đáng kể nếu thành công. Nhưng trong tình hình kinh tế khó khăn, nguồn tài chính hạn hẹp, các nhà đầu tư buộc phải quan tâm nhiều hơn đến yếu tố an toàn của dự án. Chưa kể, có rất nhiều lĩnh vực khác đang rất hứa hẹn đối với các nhà đầu tư lúc này việc chọn lựa dự án công nghệ khá kỹ càng, đòi hỏi mang tính an toàn hoặc đã có dấu hiệu thành công nhất định trước đó.


Những bất ổn hiện hữu

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà đầu tư đều tỏ ra thận trọng trong việc chọn lựa thị trường để đổ vốn vào. Sự giảm sút nói chung trong đầu tư vào lĩnh vực CNTT cũng cần được nhìn ở khía cạnh khách quan của thế giới. Các yếu tố như: nợ công tại các nước khu vực châu Âu diễn biến phức tạp, kinh tế Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng chậm, các khu vực kinh tế khác cũng phục hồi với tốc độ chậm và áp lực của sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực thu hút đầu tư và thị trường ngành CNTT từ Trung Quốc, Ấn Độ, khu vực mới nổi như: châu Phi và Mỹ La tinh được các chuyên gia giải thích là nguyên nhân ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Theo thông tin từ Công ty Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (CVPMQT), đô thị sản xuất phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin uy tín hàng đầu của Việt Nam, trong năm 2011, CVPMQT đã đón tiếp 68 đoàn khách đến tham quan, làm việc, tìm hiểu môi trường đầu tư và cơ hội hợp tác tại đây, nhưng chỉ có 15 doanh nghiệp mới vào CVPMQT gồm 5 công ty nước ngoài và 10 công ty trong nước.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CVPMQT thừa nhận, kinh doanh của một số doanh nghiệp CNTT Việt Nam đang đối mặt với không ít khó khăn do nguyên nhân khách quan nói trên. Và điều này xảy ra không chỉ với các công ty mới mà kể cả doanh nghiệp lớn như CVPMQT. Cụ thể, kinh tế thế giới chưa thoát khỏi suy thoái, các thị trường chủ yếu về gia công phần mềm như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đều gặp rất nhiều khó khăn, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất phần mềm và đầu tư tại CVPMQT. Theo ông Dũng, trong năm 2011, các doanh nghiệp có thời gian hoạt động lâu năm và đã có thị trường ổn định trong CVPMQT sẽ tiếp tục phát triển, tăng trưởng tốt. Nhưng doanh nghiệp mới thành lập trong vòng 3 năm trở lại thì do thị trường và sản phẩm chưa chiếm được vị thế có thể sẽ gặp khó khăn, thậm chí một số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét