Tầm nhìn người đứng đầu doanh nghiệp có tác động rất lớn tới quyết định cấp vốn của ngân hàng hay quỹ đầu tư. Do đó, lời khuyên dành cho các doanh nhân là phải biết biến mình thành món hàng tốt để "bán" được giá.
Sau 10 năm làm thuê, thành lập công ty năm 1998 với số vốn 200 triệu đồng và nay có 38 công ty thành viên, tổng trị giá lên đến 3.000 tỷ đồng là câu chuyện thành công của ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn đầu tư U&I, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam. Kinh nghiệm được ông Tín tiết lộ là: "Trong kinh doanh, ai đó chỉ đầu tư cho bạn khi họ thấy hợp. Không hợp thì không thể hùn –góp chung, chẳng thế mà ông cha ta từ xưa đã có từ 'hùn hợp'".
Chủ tịch Tập đoàn U&I phân tích, việc đầu tư vào một doanh nghiệp nào đó chủ yếu dựa trên 3 lý do: sở thích, mua lại, phát triển rồi bán hoặc bị rủ rê. Tuy nhiên, dù với nguyên nhân nào, người rót vốn cũng cần nhìn thấy điểm chung với lãnh đạo của nơi sử dụng nguồn tiền đó. "Doanh nhân hãy là chính mình nhưng phải biết tiếp thị là một món hàng tốt để 'bán' có giá hay chính là thu hút được đầu tư" – ông Tín nói.
Ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn đầu tư U&I. Ảnh: ST |
Câu chuyện trên được ông Tín chia sẻ cùng 100 CEO trong buổi giao lưu hôm qua tại Hà Nội với chủ đề “Phương thức vay và huy động vốn hiệu quả”.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Trường, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh và công nghệ IDG Ventures Việt Nam cho rằng, thu hút đầu tư thành công hay không trước hết dựa vào người đứng đầu doanh nghiệp. Đó là tầm nhìn, mục tiêu, khả năng ảnh hưởng của vị lãnh đạo và đặc biệt là sự hiểu biết nhà đầu tư, kế sau mới là sản phẩm hay kế hoạch kinh doanh.
"Đôi khi chỉ là những cuộc nói chuyện 5 phút, bài test 30 giây, qua con người, chúng ta sẽ quyết định đầu tư hay không. Nếu doanh nhân đó chứng mình được tầm nhìn, khả năng và biết chắc họ làm cái gì thì bằng bất cứ bản kế hoạch nào, họ cũng đã tìm được con đường ngắn nhất", ông Trường nói.
Tuy nhiên, về kinh nghiệm hút vốn từ các quỹ đầu tư chiến lược, ông Nguyễn Hồng Trường cho biết, doanh nghiệp thường chỉ tìm đến khi khởi nghiệp hoặc mở rộng quy mô kinh doanh. Điều này cũng chỉ nên thực hiện sau cuộc huy động 3F – Family, Friends, Fools – gia đình, bạn bè và nhà đầu tư thiên thần. Bởi khi đã có sự vào cuộc của các quỹ đầu tư, doanh nghiệp ít nhiều bị "pha loãng" từ việc bán cổ phần, cổ phiếu.
Theo chuyên gia tài chính, ngân hàng – Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, điểm khó nhất của doanh nghiệp khi đi vay vốn hiện nay là tài sản thế chấp. Nhưng trường hợp không có, doanh nhân đổi lại bằng một bản kế hoạch, báo cáo, dự báo tình hình cụ thể trong 3-5 năm thì vấn đề cho vay sẽ được xem xét.
Bởi ngân hàng và người đi vay cần tìm được tiếng nói chung, nếu khả thi, ngân hàng có thể lấy chính sản phẩm hình thành từ vốn vay làm tài sản thế chấp. Theo đó, một bản dự báo chi tiết là cần thiết, tầm nhìn, khả năng của doanh nhân là mấu chốt trong việc hút đầu tư.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đưa ra một thực tế nghịch lý hiện nay: ngân hàng có thừa vốn nhưng không cho doanh nghiệp vay. Thay vào đó, họ đi mua trái phiếu Chính phủ và cho nhau vay, dù lỗ 3-5% so với đầu tư vào các công ty kinh doanh. "Tại sao lại như vậy? Có vấn đề gì đang xảy ra ở đây?" – ông đặt câu hỏi.
Theo ông Hiếu, tình trạng nợ xấu đã khiến hầu hết ngân hàng "co càng" và không đơn vị nào muốn mạo hiểm nữa. Một nợ xấu phải đổi lại bằng 50 nợ mới, bởi thông thường, biên độ lợi nhuận của ngân hàng chỉ là 2%.
"Vậy thì doanh nghiệp hay chính là người đi vay phải chứng mình được với các ngân hàng khả năng thanh khoản, bảo đảm của mình. Hai bên hiểu và cùng chung ngôn ngữ mới khơi thông được nguồn tiền", ông Hiếu nói.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng "mách nước" cách tiếp cận ngân hàng với các doanh nghiệp. Ngoài tài sản thế chấp đang có và hình thành từ nguồn vốn, đơn vị đi vay phải chuẩn bị báo cáo, dự báo tài chính, kế hoạch kinh doanh...
Thêm đó, doanh nghiệp đi vay cần nắm và giữ cho được tâm lý đàm phán. Đơn cử như thông thường, ngân hàng sẽ hỏi người đi vay "Anh đã tiếp cận ngân hàng nào trước chúng tôi?" và doanh nhân trả lời "Không, các ông là đầu tiên". Nhưng thực tế, đó là sai lầm.
"Đừng ngần ngại thể hiện sức mạnh và cho họ biết tôi đã làm việc với nhiều ngân hàng nhưng muốn xem ngân hàng của ông có lợi thế hơn họ hay không", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu tư vấn. Ngoài ra, trong bất kể trường hợp nào, người đi vay cũng không được vượt quá "điểm tổn thương", tức là bằng mọi giá để vay được vốn, "nếu thấy khó chấp nhận, hãy sẵn sàng rời bàn đàm phán và luôn giữ vị thế chủ động", ông nói.
Một kinh nghiệm được chuyên gia này tiết lộ, dù "khỏe" đến mấy, doanh nghiệp cũng nên giữ quan hệ với ngân hàng. Tức là dù không cần cũng hãy vay một ít để "họ vui lòng" và được "cấp cứu" khi không may khó khăn. Bởi ngân hàng được xem là một sinh vật, chỉ đưa dù cho doanh nghiệp khi "nắng" chứ không đưa dù khi "trời mưa".
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2011, cả nước có 79.000 doanh nghiệp phá sản. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 4 tháng đầu năm, con số này là 17.000 doanh nghiệp. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng điều này có một phần nguyên nhân lớn do lãi suất cho vay từ các ngân hàng quá cao, thậm chí không ít công ty làm chỉ để trả lãi. Thông thường, với lãi suất 20%, doanh nghiệp phải có lợi nhuận 40% mới "sống" được.
Bản thân nhiều ngân hàng cũng đang chịu "gậy ông đập lưng ông" vì cuộc chạy đua huy động lãi suất, đẩy mức cho vay lên quá cao. Bởi chính việc đẩy doanh nghiệp vào khó khăn, không có khả năng thanh khoản đã tạo nên "cục máu đông" nợ xấu hiện nay.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét