Trang

Ông Nguyễn Bảo Hoàng phát biểu Khai mạc lễ công bố đầu tư của Intel vào VCCORP


10h sáng ngày 26/06/2012, tại khách sạn Hilton Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố đầu tư của Intel vào VCCORP và kế hoạch phát triển 5 năm của VC CORP. Tới dự buổi họp báo có Lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông, đại diện Intel Capital, đại diện IDG Ventures Việt Nam, Ban Giám Đốc VCCORP cùng rất nhiều vị đại biểu và khách quý đến từ các Bộ/Ngành hữu quan; đại diện các đối tác/khách hàng thân thiết của VC Corp và sự hiện diện của đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế đến đưa tin về sự kiện quan trọng này. Về phía VC, đông đảo đội ngũ Leaders và các nhân sự từ các bộ phận của VC cũng cùng tham dự buổi lễ này. VCNewsWeek xin đưa tin về sự kiện.

Mở đầu buổi lễ, Ông Nguyễn Bảo Hoàng – Tổng Giám Đốc IDG Ventures Việt Nam đã phát biểu khai mạc với những lời chúc mừng tốt đẹp dành cho VC Corp, những chia sẻ chân thành từ những ngày đầu tiên gặp Anh Tân, Anh Thắng, và quãng đường ý nghĩa 5 năm đi cùng VC Corp. Tiếp đó là bài phát biểu của Mr Deepak Natarajan - Giám đốc đầu tư Khu vực Đông Nam Á Quỹ Đầu tư Intel với những sự đánh giá cao cho những gì VC Corp đã xây dựng và lý do chính cho sự đầu tư của Intel vào VCCorp. Sau bài phát biểu của Phó Tổng Giám Đốc VC Corp - anh Vương Vũ Thắng là những lời chúc mừng cho sự trưởng thành và lớn mạnh của VC Corp và ghi nhận những nỗ lực mà VC Corp đã làm được cho sự phát triển của nghành truyền thông và Internet tại Việt Nam của Thứ Trưởng Đỗ Quý Doãn – Đại diện Lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông.

Ông Nguyễn Bảo Hoàng: Tôi đã vinh dự được ở trong Hội đồng Quản trị của công ty VCCorp 5 năm qua, chứng kiến sự trưởng thành lớn mạnh từ một công ty start-up, đến nay đội ngũ đã lên đến 1200 người. Chúng tôi rất hài lòng về sự đầu tư của mình vào VCCorp trong 5 năm vừa qua. Để tạo nên sự lớn mạnh của công ty, chúng ta không thể làm một mình, chúng ta cần có sự hỗ trợ từ người khác, ở VCCorp đó là sự tham gia của hơn 1200 nhân viên cùng với sự đầu tư của IDG, cũng như giờ chúng ta đã có thêm được 1 đối tác đầu tư mới – Intel Capital. 

Ông Nguyễn Bảo Hoàng – Tổng Giám Đốc IDG Ventures Việt Nam
Ông Nguyễn Bảo Hoàng – Tổng Giám Đốc IDG Ventures Việt Nam

Ông Deepak Natarajan - Giám đốc đầu tư Khu vực Đông Nam Á Quỹ đầu tư Intel: Các công ty mà Intel lựa chọn để đầu tư vào là những công ty phải có sức đổi mới, sáng tạo rất lớn, đó là những công ty trẻ mà sẽ có tầm ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của xã hội cũng như kinh tế tại các nước sở tại mà chúng tôi đầu tư. Khi được giới thiệu gặp đại diện lãnh đạo VCCORP năm 2011, ngay Slogan của công ty Invovation-Nonstop đã để lại ấn tượng rất lớn với chúng tôi và sau khi tìm hiểu chúng tôi thấy rằng đây chính là công ty mà chúng tôi mong muốn để đầu tư vào tại Việt Nam. Là người dùng Internet, chúng ta cần những dịch vụ để cung cấp việc tìm hiểu thông tin, các dịch vụ trò chơi trực tuyến hay các dịch vụ giao dịch buôn bán sản phẩm, ở VCCORP hội đủ nền tảng để đáp ứng yêu cầu của người dùng. Các dịch vụ và cơ sơ hạ tầng mà VCCORP đang nắm giữ có được tiềm năng phát triển và tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển mạnh mẽ của Internet và nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới – đó là lý do tại sao Intel quyết định đầu tư vào VCCorp.

Ông Deepak Natarajan – Giám đốc Đầu tư Khu vự Đông Nam Á – Intel Capital
Ông Deepak Natarajan – Giám đốc Đầu tư Khu vự Đông Nam Á – Intel Capital

Anh Vương Vũ Thắng – Phó Tổng Giám Đốc VC CORP: VCCORP được thành lập cách đây khoảng 6 năm, lúc bắt đầu mới chỉ có 20 người, thời điểm bấy giờ chúng tôi cũng không đặt mục tiêu là sau 6 năm chúng tôi sẽ trở thành công ty to mà chỉ mong muốn dùng cơ hội Internet để thay đổi cuộc sống của người dân Việt Nam. Chúng tôi là những người trẻ tuổi, có hoài bão, khả năng công nghệ nên hy vọng sẽ làm nên những giá trị tốt đẹp góp phần thay đổi xã hội này, và cơ hội đã đến đúng lúc với chúng tôi. Mục tiêu của chúng tôi không phải là thành một công ty lớn, thậm chí bây giờ vẫn là một công ty nhỏ, mục tiêu của chúng tôi là có thể xây dựng một công ty có thể sáng tạo ra nhiều sản phẩm hay, có ích, có giá trị trí tuệ đem lại lợi ích cho người dùng. Khi đó anh Tân, đang là Phó Giám Đốc của VietTel đường dài, là một người mà tôi nghĩ rằng VC sẽ rất khó mời về được, nhưng anh đã chia sẻ cùng tôi cách nhìn này và về VC để cùng phát triển ý tưởng là tạo ra các sản phẩm sáng tạo cho cộng đồng. Trong 5, 6 năm vừa qua, chúng tôi rất may mắn tìm được đối tác chia sẻ cùng quan điểm này, đầu tiên là IDG năm 2007, khi đó VC chưa làm ra tiền, không đáng kể gì, nhưng chúng tôi cùng chia sẻ chung quan điểm và trong hơn 6 năm vừa qua, cùng với sự sáng tạo không ngừng nghỉ của các bạn, chúng ta đã làm ra khoảng 30, 40 sản phẩm khác nhau cho các đối tượng trong nhiều lĩnh vực như cho trẻ em, cho những người làm về tài chính hay cho những người kinh doanh buôn bán… Chúng tôi luôn cố gắng làm ra những sản phẩm độc đáo có khả năng hỗ trợ được nhiều đối tượng online. 6 năm vừa qua nghe có vẻ dài, nhưng đối với chúng tôi thì rất nhanh, và ngày hôm nay chúng tôi rất vui mừng khi chúng tôi tìm thêm được những người bạn có cùng quan điểm, chiến lược tầm nhìn không khác gì chúng tôi. Việc Intel đầu tư vào VC không chỉ đơn giản là vì các dịch vụ giải trí thông thường mà theo chúng tôi là thể hiện đường đi của công ty thế giới đầu tư vào các công ty sáng tạo về công nghệ tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ tận dụng sự đầu tư này để làm ra các sản phẩm tốt hơn nữa, có ích lợi hơn nữa góp phần thay đổi Internet và sự phát triển của xã hội Việt Nam. 

Anh Vương Vũ Thắng – Phó Tổng Giám đốc VC Corp
Anh Vương Vũ Thắng – Phó Tổng Giám đốc VC Corp

Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Đỗ Quý Doãn: Là người theo dõi rất sát sự ra đời và phát triển của VCCorp, chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của cán bộ nhân viên công ty trong chặng đường 6 năm qua. Chúng tôi cũng rất tin tưởng vì đây là lực lượng rất trẻ, hơn 1000 nhân viên tuổi đời chủ yếu là mới sinh năm 80 và đây là đội ngũ luôn luôn sáng tạo và luôn luôn tìm tòi trong lĩnh vực Internet. Cho nên việc Intel chọn VCCorp để đầu tư, theo tôi nghĩ là lựa chọn đúng đắn! Bởi vì ở đây hội tụ đầy đủ các lĩnh vực công nghệ Internet phát triển, ở VCCorp có cả mạng xã hội, TMĐT, cả game online… Và với một lực lượng năng động luôn luôn sáng tạo như vậy, thì sự hỗ trợ đầu tư này chắc chắn sẽ là tiền đề, máy kích thích để cho lực lượng này tiếp tục sáng tạo lớn hơn, có những nỗ lực tốt hơn, có sản phẩm chất lượng cao hơn trong thời gian tới. Chúng tôi mong rằng với sự đầu tư, sự hỗ trợ trước đây của IDG cũng như hôm nay của Intel, chắc chắn VCCorp sẽ có chiến lược phát triển mới thúc đẩy sự phát triển internet ở nước ta, đặc biệt trong chiến lược để sớm đưa Việt Nam lớn mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông.Với mong muốn như vậy, chúng tôi xin chúc mừng VCCorp và Intel, hy vọng rằng với sự hợp tác này, VCCorp sẽ phát triển lớn mạnh nhanh hơn cả chặng đường 5 năm vừa qua.

Ông Đỗ Quý Doãn - Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông
Ông Đỗ Quý Doãn - Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông 

Ngay sau đó, Lễ ký kết giữa Intel và VCCorrp đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự chứng kiến của Đại diện Lãnh đạo Bộ Thông tin & truyền thông, đại diện IDG cùng các vị đại biểu/khách quý.

Pháo hoa và những tiếng vỗ tay vang dội của đông đảo quý vị quan khách và các nhân sự VCCorp cùng chúc mừng sự kiện đặc biệt này.
Pháo hoa và những tiếng vỗ tay vang dội của đông đảo quý vị quan khách và các nhân sự VCCorp cùng chúc mừng sự kiện đặc biệt này.

Sau lễ ký kết, anh Nguyễn Thế Tân – Phó Tổng Gám Đốc VC Corp đã công bố về kế hoạch phát triển trong 5 năm tới của VC

Anh Nguyễn Thế Tân – Phó Tổng Giám Đốc VC Corp
Anh Nguyễn Thế Tân – Phó Tổng Giám Đốc VC Corp

Với việc tiếp tục phát triển phân phối nội dung trên cả nền web, mobile, TV; phát triển TMĐT với việc xây dựng các ứng dụng và sản phẩm nền tảng về Pay & Ship phá vỡ những rào càn giúp khách hàng tiếp cận thuận tiện hơn với các dịch vụ TMĐT; phát triển AdMicro –AdNetwork giúp quảng cáo trúng đích tới từng đối tượng, đạt doanh thu lớn tạo sự phát triển nền tảng cho truyền thông và quảng cáo trúng đích các sản phẩm tới tay người tiêu dung; chú trọng phát triển về nền tảng công nghệ điện toán đám mây, giải quyết những bài toán xử lý dữ liệu lên đến hàng tỉ truy cập tạo nên những bước đột phá và phát triển cho quảng cáo trực tuyến; tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm và đưa các sản phẩm internet lên SmartTV và TVBox nhằm đưa các sản phẩm lên TV truyền thống…. là những hướng đi mới của VC trong những năm tiếp theo. Những thông tin này đã được anh Tân trình bày rõ ràng với những phân tích chiến lược mang đến sự hiểu biết sâu sắc hơn về chiến lược đầu tư của VC trong 5 năm tới tất cả quan khách và báo giới có mặt tại buổi họp báo.

Cuối buổi họp báo, nhiều nhà phân tích, các cơ quan báo chí/truyền hình đã đưa ra những câu hỏi thú vị cho đại diện các bên về thương vụ đầu tư này, đồng thời cũng có thêm nhiều câu hỏi về chiến lược đầu tư vào các mảng cụ thể của VC.


Buổi lễ đã diễn ra thành công tốt đẹp trong không khí thân mật và vui mừng phấn khởi của các quan khách cũng như đông đảo anh, chị, em VCers. Rất nhiều những lời chúc mừng và những sự đánh giá, ghi nhận đã dành cho VC. Buổi lễ không chỉ đơn thuần là buổi lễ công bố sự hợp tác đầu tư chiến lược của Intel vào VCCorp mà còn như một buổi chia sẻ về quan điểm tạo ra những sản phẩm sáng tạo giúp ích cho cộng đồng của những người tâm huyết với VC Corp. VC giờ đây đã có thêm một “người bạn lớn” về công nghệ để cùng chia sẻ quan điểm này. Với sự lớn mạnh về cả thế và lực, với nền tảng công nghệ vững chắc, với đội ngũ nhân sự “không đâu có được”, với sự hậu thuẫn, hợp tác từ những người bạn lớn về công nghệ, chúng ta tin rằng chặng đường 5 năm tiếp theo của VC chúng ta sẽ còn lớn mạnh hơn nhiều so với 5 năm vừa qua. Xin một lần nữa được chúc mừng VC CORP!

Intel Capital đầu tư vào VC Corp


VC Corp ngày 26-6 công bố nhận khoản đầu tư của Intel Capital
VC Corp ngày 26-6 công bố nhận khoản đầu tư của Intel Capital

Ngày 26-6, Công ty  cổ phần Truyền thông Việt Nam (VC Corp) đã họp báo công bố về việc nhận khoản đầu tư chiến lược từ tổ chức đầu tư và hợp nhất toàn cầu của tập đoàn Intel - Intel Capital.

Khoản tiền đầu tư không được các đối tác tiết lộ nhưng một thông tin được Intel Capital công bố mới đây cho thấy quỹ đầu tư này sẽ đầu tư vào VC Corp và một công ty khác trong khu vực với mức đầu tư 17 triệu đô la Mỹ.

VC Corp thành lập năm 2006 là công ty hoạt động trong lĩnh vực phát triển công nghệ và sản phẩm Internet. Lĩnh vực kinh doanh chính bao gồm thương mại điện tử, nội dung trực tuyến, quảng cáo trực tuyến và nội dung trên thiết bị di động…

Trước đây VC Corp đã nhận vốn đầu tư của quỹ đầu tư IDG Ventures. Ông Vương Vũ Thắng, Phó tổng giám đốc VC Corp cho biết khoản đầu tư của Intel Capital sẽ giúp VC Corp đẩy mạnh hơn sự phát triển của công nghệ thông tin, internet và các phương tiện truyền thông trực tuyến tại Việt Nam. Điều này cho phép VC Corp tiếp tục đổi mới trong các lĩnh vực như điện toán đám mây, tăng cường cơ sở hạ tầng thuận lợi cho các dịch vụ như quảng cáo và thương mại điện tử trên di động, thanh toán trực tuyến...

Từ năm 1999, Intel Capital đã đầu tư hơn 95 triệu đô la Mỹ vào các công ty công nghệ tại Đông Nam Á. VC Corp là công ty thứ hai tại Việt Nam được đầu tư bởi Intel Capital, sau công ty FPT.

6 tháng đầu năm, tự doanh CTCK bán ròng hơn 391 tỷ đồng


Theo số liệu của CTCK Bản Việt (VCSC), trong 6 tháng đầu năm, khối tự doanh của hơn 100 CTCK đã bán ròng hơn 391,83 tỷ đồng (tính đến 25/6).

Cụ thể, khối này đã mua vào tổng cộng 3.056,397 tỷ đồng và bán ra 3.448,228 tỷ đồng. Đáng chú ý, khối tự doanh tập trung bán ròng trong 3 tháng đầu năm, đặc biệt là tháng 3/2012, đây là thời điểm các chỉ số chứng khoán cùng cổ phiếu tăng rất mạnh.

Diễn biến giao dịch của tự doanh CTCK trên HOSE
Diễn biến giao dịch của tự doanh CTCK trên HOSE

Được biết, ngay từ đầu năm 2012, nhiều CTCK đã xác định tập trung hoạt động chính vào mảng môi giới và chú trọng việc thoái vốn ở hoạt động tự doanh, do đó, việc khối tự doanh tập trung bán ròng trong 3 tháng đầu năm là hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán sôi động, một số CTCK có nguồn tiền lớn gửi ngân hàng đã bắt đầu tham gia vào thị trường.

Trình Chính phủ Quỹ Tiết kiệm nhà ở


Cá nhân, hộ gia đình tham gia phải đóng vào quỹ tối thiểu bằng khoảng 30% tổng số tiền dự kiến vay để mua.
Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Thủ tướng đề án Quỹ Tiết kiệm nhà ở. Theo đó, mô hình thứ nhất là Quỹ Tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, hộ nghèo tại đô thị vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội và doanh nghiệp trong nước vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Nguồn vốn hình thành quỹ hình thành từ vốn hiện có của Quỹ phát triển nhà ở (bao gồm tối thiểu 10% tiền thu được từ chuyển quyền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở thương mại, ngân sách địa phương); lợi nhuận thu được từ phát hành xổ số kiến thiết... Hình thức tham gia quỹ là tự nguyện, không bắt buộc.
Cá nhân, hộ gia đình tham gia phải đóng vào quỹ ít nhất khoảng 30% tổng số tiền dự kiến vay để mua, thuê mua nhà ở xã với mức tối thiểu trong thời gian 5 năm. Mức tiền được vay thêm tối đa bằng 2 lần tổng số tiền đã đóng vào quỹ. Thời gian trả nợ trong vòng 15 năm với mức lãi suất cho vay trong khoảng 6,5-8,5%.
Trường hợp người tham gia không có nhu cầu vay để tạo lập hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì sẽ được quỹ thanh toán cả gốc và lãi nhưng mức lãi suất được hưởng sẽ cao hơn lãi suất huy động ban đầu là 2% mỗi năm.
Doanh nghiệp có nhu cầu vay phải có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và đã có thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt. Số tiền được vay tối đa bằng 50% tổng vốn đầu tư xây lắp của dự án nhà ở xã hội (bao gồm cả chi phí trang thiết bị của nhà ở đó);
Mô hình thứ hai là hai thành lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở để cho các cá nhân, hộ gia đình trong nước vay mua nhà ở thương mại, trong đó chủ yếu tập trung cho đối tượng có thu nhập từ trung bình trở lên vay. Việc huy động vốn, cơ chế cho vay, tính lãi suất huy động, lãi suất cho vay, cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính, nguyên tắc hoạt động của Quỹ tiết kiệm nhà ở này do Thủ tướng quyết định.
Bộ Xây dựng đề xuất giao UBND thành phố Hà Nội và UBND TP HCM thành lập 2 mô hình tiết kiệm nhà ở cho người có thu nhập thấp và cá nhân, hộ gia đình khác nhu cầu mua nhà ở thương mại. Dự kiến, quỹ sẽ vận hành từ đầu năm 2013.
Ở các nước trên thế giới, chủ yếu có 3 mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở. Hệ thống Quỹ Tiết kiệm nhà ở dạng “đóng” chỉ huy động tài chính từ một nguồn duy nhất từ các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay để tạo lập nhà ở mà không được phép huy động từ các nguồn khác. Hiện nay, có một số nước đang áp dụng dạng mô hình Quỹ này như Cộng hòa Liên Bang Đức (Quỹ Bauspar), Cộng hòa Séc, Hungari, Rumani, Malaysia, Trung Quốc, Singapore…
Hệ thống Quỹ Tiết kiệm nhà ở dạng “mở”: Ngoài việc huy động từ tiền đóng góp tiết kiệm của các hộ gia đình, cá nhân, quỹ động vốn từ nhiều nguồn khác nhau trong xã hội. Quỹ còn thực hiện đầu tư tài chính ra bên ngoài như: phát hành chứng chỉ quỹ, đầu tư trên thị trường chứng khoán... Hiện nay, có một số nước đang áp dụng dạng mô hình Quỹ này như Mỹ, Anh, Cộng hòa Pháp (Quỹ Ėpargne-logement), Slovenia, Tunisia…
Mô hình tiết kiệm nhà ở dạng hỗn hợp (kết hợp giữa Quỹ Đầu tư phát triển nhà ở và Quỹ Tiết kiệm nhà ở): Do Nhà nước thành lập và quản lý được. Điển hình của dạng này là Quỹ phát triển nhà ở quốc gia của Hàn Quốc, một số địa phương của Trung Quốc. Nguồn tài chính từ đóng góp của Chính phủ, nguồn tiết kiệm tạo lập nhà ở của người tham gia quỹ, tiền thu từ bán xổ số... Tính trong năm 2009, Quỹ nhà ở quốc gia Hàn Quốc đã có vốn khoảng 32,1 tỷ USD, trong đó số tiền do người tham gia quỹ đóng góp khoảng 2,18 tỷ USD (chiếm 6,8% tổng nguồn vốn hình thành quỹ).

Viet Capital Bank thông báo về việc khai trương Chi nhánh Phan Thiết

Căn cứ công văn số: 54/NHNN-TTGSNH ngày 05/01/2012 của NHNN Việt Nam về việc chấp thuận mở Chi nhánh Phan Thiết của Ngân hàng TMCP Bản Việt; Căn cứ Quyết định số: 196/12/QĐ-HĐQT ngày 02/05/2012 của Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Bản Việt về việc thành lập Chi nhánh Phan Thiết.

Ngân hàng TMCP Bản Việt trân trọng thông báo về việc khai trương Chi nhánh Phan Thiết như sau:

1. Tên đầy đủ: Ngân hàng TMCP Bản Việt - Chi nhánh Phan Thiết.
2. Tên giao dịch: Viet Capital Bank - Phan Thiết.
3. Địa chỉ: 148 Tôn Đức Thắng, P. Phú Thủy, Tp. Phan Thiết, Tỉnh Bình Thuận.
4. Điện thoại: 062 3939139 Fax: 062 3831338.
5. Nội dung hoạt động: Huy động vốn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi, tiếp nhận vốn đầu tư và phát triển, vay vốn các tổ chức tín dụng khác. Cho vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; chiết khấu thương phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá, hùn vốn và kinh doanh theo pháp luật hiện hành. Dịch vụ thanh toán giữa các khách hàng, kinh doanh ngoại tệ; thanh toán quốc tế, huy động các loại vốn từ nước ngoài và các dịch vụ ngân hàng khác trong quan hệ với nước ngoài khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Dịch vụ cầm đồ, hoạt động bao thanh toán.
6. Người đại diện: Ông Đoàn Dũng - Giám đốc Chi nhánh.
7. Ngày khai trương: 28/06/2012.

Nhân dịp khai trương, Viet Capital Bank sẽ tặng nhiều phần quà hấp dẫn cho khách hàng đến gửi tiền tại Chi nhánh Phan Thiết.


Trân trọng thông báo.


Viet Capital Bank

'Để có vốn, doanh nhân phải biết bán mình'


Tầm nhìn người đứng đầu doanh nghiệp có tác động rất lớn tới quyết định cấp vốn của ngân hàng hay quỹ đầu tư. Do đó, lời khuyên dành cho các doanh nhân là phải biết biến mình thành món hàng tốt để "bán" được giá.

Sau 10 năm làm thuê, thành lập công ty năm 1998 với số vốn 200 triệu đồng và nay có 38 công ty thành viên, tổng trị giá lên đến 3.000 tỷ đồng là câu chuyện thành công của ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn đầu tư U&I, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam. Kinh nghiệm được ông Tín tiết lộ là: "Trong kinh doanh, ai đó chỉ đầu tư cho bạn khi họ thấy hợp. Không hợp thì không thể hùn –góp chung, chẳng thế mà ông cha ta từ xưa đã có từ 'hùn hợp'".

Chủ tịch Tập đoàn U&I phân tích, việc đầu tư vào một doanh nghiệp nào đó chủ yếu dựa trên 3 lý do: sở thích, mua lại, phát triển rồi bán hoặc bị rủ rê. Tuy nhiên, dù với nguyên nhân nào, người rót vốn cũng cần nhìn thấy điểm chung với lãnh đạo của nơi sử dụng nguồn tiền đó. "Doanh nhân hãy là chính mình nhưng phải biết tiếp thị là một món hàng tốt để 'bán' có giá hay chính là thu hút được đầu tư" – ông Tín nói.

Ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn đầu tư U&I. Ảnh: ST
Ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn đầu tư U&I. Ảnh: ST

Câu chuyện trên được ông Tín chia sẻ cùng 100 CEO trong buổi giao lưu hôm qua tại Hà Nội với chủ đề “Phương thức vay và huy động vốn hiệu quả”.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Trường, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh và công nghệ IDG Ventures Việt Nam cho rằng, thu hút đầu tư thành công hay không trước hết dựa vào người đứng đầu doanh nghiệp. Đó là tầm nhìn, mục tiêu, khả năng ảnh hưởng của vị lãnh đạo và đặc biệt là sự hiểu biết nhà đầu tư, kế sau mới là sản phẩm hay kế hoạch kinh doanh.

"Đôi khi chỉ là những cuộc nói chuyện 5 phút, bài test 30 giây, qua con người, chúng ta sẽ quyết định đầu tư hay không. Nếu doanh nhân đó chứng mình được tầm nhìn, khả năng và biết chắc họ làm cái gì thì bằng bất cứ bản kế hoạch nào, họ cũng đã tìm được con đường ngắn nhất", ông Trường nói.

Tuy nhiên, về kinh nghiệm hút vốn từ các quỹ đầu tư chiến lược, ông Nguyễn Hồng Trường cho biết, doanh nghiệp thường chỉ tìm đến khi khởi nghiệp hoặc mở rộng quy mô kinh doanh. Điều này cũng chỉ nên thực hiện sau cuộc huy động 3F – Family, Friends, Fools – gia đình, bạn bè và nhà đầu tư thiên thần. Bởi khi đã có sự vào cuộc của các quỹ đầu tư, doanh nghiệp ít nhiều bị "pha loãng" từ việc bán cổ phần, cổ phiếu.

Theo chuyên gia tài chính, ngân hàng – Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, điểm khó nhất của doanh nghiệp khi đi vay vốn hiện nay là tài sản thế chấp. Nhưng trường hợp không có, doanh nhân đổi lại bằng một bản kế hoạch, báo cáo, dự báo tình hình cụ thể trong 3-5 năm thì vấn đề cho vay sẽ được xem xét.

Bởi ngân hàng và người đi vay cần tìm được tiếng nói chung, nếu khả thi, ngân hàng có thể lấy chính sản phẩm hình thành từ vốn vay làm tài sản thế chấp. Theo đó, một bản dự báo chi tiết là cần thiết, tầm nhìn, khả năng của doanh nhân là mấu chốt trong việc hút đầu tư.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đưa ra một thực tế nghịch lý hiện nay: ngân hàng có thừa vốn nhưng không cho doanh nghiệp vay. Thay vào đó, họ đi mua trái phiếu Chính phủ và cho nhau vay, dù lỗ 3-5% so với đầu tư vào các công ty kinh doanh. "Tại sao lại như vậy? Có vấn đề gì đang xảy ra ở đây?" – ông đặt câu hỏi.

Theo ông Hiếu, tình trạng nợ xấu đã khiến hầu hết ngân hàng "co càng" và không đơn vị nào muốn mạo hiểm nữa. Một nợ xấu phải đổi lại bằng 50 nợ mới, bởi thông thường, biên độ lợi nhuận của ngân hàng chỉ là 2%.

"Vậy thì doanh nghiệp hay chính là người đi vay phải chứng mình được với các ngân hàng khả năng thanh khoản, bảo đảm của mình. Hai bên hiểu và cùng chung ngôn ngữ mới khơi thông được nguồn tiền", ông Hiếu nói.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng "mách nước" cách tiếp cận ngân hàng với các doanh nghiệp. Ngoài tài sản thế chấp đang có và hình thành từ nguồn vốn, đơn vị đi vay phải chuẩn bị báo cáo, dự báo tài chính, kế hoạch kinh doanh...

Thêm đó, doanh nghiệp đi vay cần nắm và giữ cho được tâm lý đàm phán. Đơn cử như thông thường, ngân hàng sẽ hỏi người đi vay "Anh đã tiếp cận ngân hàng nào trước chúng tôi?" và doanh nhân trả lời "Không, các ông là đầu tiên". Nhưng thực tế, đó là sai lầm.

"Đừng ngần ngại thể hiện sức mạnh và cho họ biết tôi đã làm việc với nhiều ngân hàng nhưng muốn xem ngân hàng của ông có lợi thế hơn họ hay không", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu tư vấn. Ngoài ra, trong bất kể trường hợp nào, người đi vay cũng không được vượt quá "điểm tổn thương", tức là bằng mọi giá để vay được vốn, "nếu thấy khó chấp nhận, hãy sẵn sàng rời bàn đàm phán và luôn giữ vị thế chủ động", ông nói.

Một kinh nghiệm được chuyên gia này tiết lộ, dù "khỏe" đến mấy, doanh nghiệp cũng nên giữ quan hệ với ngân hàng. Tức là dù không cần cũng hãy vay một ít để "họ vui lòng" và được "cấp cứu" khi không may khó khăn. Bởi ngân hàng được xem là một sinh vật, chỉ đưa dù cho doanh nghiệp khi "nắng" chứ không đưa dù khi "trời mưa".

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2011, cả nước có 79.000 doanh nghiệp phá sản. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 4 tháng đầu năm, con số này là 17.000 doanh nghiệp. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng điều này có một phần nguyên nhân lớn do lãi suất cho vay từ các ngân hàng quá cao, thậm chí không ít công ty làm chỉ để trả lãi. Thông thường, với lãi suất 20%, doanh nghiệp phải có lợi nhuận 40% mới "sống" được.

Bản thân nhiều ngân hàng cũng đang chịu "gậy ông đập lưng ông" vì cuộc chạy đua huy động lãi suất, đẩy mức cho vay lên quá cao. Bởi chính việc đẩy doanh nghiệp vào khó khăn, không có khả năng thanh khoản đã tạo nên "cục máu đông" nợ xấu hiện nay.

Ông Trần Bảo Toàn thôi làm thành viên HĐQT chứng khoán Bản Việt


Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt thông báo thay đổi thành viên quản trị. Theo đó, ông Trần Bảo Toàn thôi giữ chức vụ thành viên Hội đồng Quản trị của công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt kể từ ngày 5/6.

Ông Trần Bảo Toàn nộp đơn xin từ nhiệm với lý do cá nhân.
Ông Trần Bảo Toàn nộp đơn xin từ nhiệm với lý do cá nhân.

Ông Toàn là một trong những thành viên sáng lập của Quỹ Bản Việt. Trước khi thành lập Quỹ Bản Việt, Ông là một trong những Giám đốc của Vietnam Holding. Ông Toàn có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, quản lý quỹ và tài sản tại Thụy Sỹ, Luxembourg. Ông từng làm Giám đốc Quản lý Danh mục Đầu tư cấp cao và trưởng phòng Nghiên cứu.
Hội đồng quản trị chứng khoán Bản Việt còn lại 6 thành viên, với Chủ tịch Hội đồng quản trị là bà Nguyễn Thanh Phượng.
5 thành viên Hội đồng quản trị gồm: Ông Tô Hải (kiêm Tổng giám đốc), ông Huỳnh Richard Lê Minh (kiêm Phó Tổng giám đốc), ông Nguyễn Quang Bảo (kiêm Phó Tổng giám đốc - Giám đốc chi nhánh Hà Nội), ông Trần Quyết Thắng và ông Nguyễn Hoàng Bảo.

Chứng khoán Bản Việt tiếp tục giữ danh hiệu "Nhà tư vấn M&A Tiêu Biểu Nhất Việt Nam năm 2012"


Ngày 7/6/2012, Trong khuôn khổ Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam năm 2012 do Báo Đầu tư - Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vinh dự được trao tặng danh hiệu "Nhà tư vấn M&A Tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2012".

Đây là lần thứ hai liên tiếp VCSC được Hội đồng bình chọn (gồm các tổ chức độc lập) đánh giá là nhà tư vấn tiêu biểu nhất, dẫn đầu các công ty tư vấn về số lượng, giá trị và tính chất phức tạp của các thương vụ M&A được thực hiện tại Việt Nam trong năm 2011-2012.

Trong năm 2012, VCSC đã thành công trong việc là nhà tư vấn nhiều dự án M&A như: tư vấn cho CTCP Hàng tiêu dùng Masan (MSF) mua lại 51% cổ phần của CTCP VinaCafe Biên Hòa (VCF); tư vấn sáp nhập và tái cấu trúc các công ty thành viên của tập đoàn FPT; tư vấn cho Tổng Công ty Xi măng Việt Nam mua lại nhà máy xi măng Cẩm Phả (thuộc Vinaconex); tư vấn cho thương vụ chào bán riêng lẻ của Vinamilk (VNM). Thương vụ này chỉ được bán cho các tổ chức nước ngoài. Số lượng khách hàng tổ chức muốn mua lớn gấp 6 lần số lượng được bán, cổ phiếu được chào bán với giá cao hơn 25% so với giá thị trường vào thời điểm đóng cửa...

Ngoài việc nhiều năm liền giữ vị trí số 1 về hoạt động tư vấn M&A tại Việt Nam, năm vừa qua VCSC còn được FinanceAsia - Tập đoàn xuất bản tài chính hàng đầu châu Á trong lĩnh vực tài chính ngân hàng công nhận là "Công ty tư vấn phát hành vốn tốt nhất Việt Nam" và là một trong 5 công ty chứng khoán hàng đầu có thị phần môi giới lớn nhất tại HSX, được tạp chí The Asset trao giải thưởng "Nhà môi giới tốt nhất Việt Nam năm 2011".