Tôi có máu lãnh đạo… từ bé, nhưng cho rằng mình không đủ khả năng để theo nghiệp chính trị. Làm chính trị không phải cứ muốn là được. Tôi đang rất hài lòng với con đường mà mình đang đi…”
Và con đường “rất hài lòng” mà Nguyễn Thanh Phượng - 28 tuổi, một trong hai đại diện nữ doanh nhân trẻ Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu tại Hà Nội đầu tháng 6 vừa qua - đã được chia sẻ trong câu chuyện thú vị với Tuần Việt Nam.
Chị nói: “Ở phương Tây, khi người phụ nữ thành công trong công việc là đã được công nhận như một người thành đạt.
Nhưng ở các nước Á Đông, đặc biệt là ở VN, người phụ nữ được xem là thành đạt ngoài sự nghiệp nổi bật còn phải có thêm nhiều tiêu chuẩn khác như: luôn giữ nữ tính, có gia đình hạnh phúc, biết làm đẹp, biết chăm lo cho chồng con và họ hàng ruột thịt, biết nội trợ, đảm đang. Nên để thành công, phụ nữ phải phấn đấu nhiều hơn rất nhiều lần”.
Mọi thay đổi phải đi cùng phát triển xã hội
Trong hoạt động chính trị, bạn bè quốc tế rất ấn tượng với con số gần 30% nghị sĩ Quốc hội Việt Nam là nữ. Vậy trong kinh tế, sự thành công của doanh nhân nữ Việt Nam có được như vậy?
- Tôi tự hào mình là một công dân nữ Việt Nam, một trong những nước rất thành công trong bình đẳng giới và đó là điều kiện quan trọng để phụ nữ phát triển sự nghiệp thuận lợi.
Trong số các doanh nhân thành công, phụ nữ rất nhiều. Riêng trong mạng lưới công việc của tôi, Chủ tịch hay CEO những công ty thành công phần lớn là phụ nữ. Các đối tác quốc tế họ cũng có nhận định tương tự khi tiếp xúc, gặp gỡ những doanh nghiệp VN.
Nhưng phụ nữ làm kinh doanh cũng có lúc gặp phải bất lợi, chẳng hạn chị khó lòng có thể đi nhậu về khuya, thời gian thất thường…?
- Trong kinh doanh, có lẽ phụ nữ cũng phải đối mặt với những thử thách như đàn ông thôi. Đương nhiên, những yếu tố tự nhiên và xã hội không cho phép phụ nữ có thói quen giao tiếp như đàn ông được.
Mọi sự thay đổi phải đi cùng với sự phát triển xã hội và nhận thức đặc thù.
Ở VN và một số nước Châu Á hay có chuyện bàn bạc công việc kinh doanh trên bàn nhậu. Và đặc biệt ở VN, đôi khi còn đánh giá cách ứng xử, giao tiếp qua việc… đi nhậu.
Rất nhiều quý ông quan niệm anh nào không mấy khi đi nhậu chứng tỏ anh không có nhiều bạn bè, không có nhiều quan hệ, hoặc không biết xã giao.
Học không đơn giản chỉ vì học vị
Những khác biệt đặc trưng của nữ doanh nhân trẻ Việt Nam hiện nay là gì?
– Trước tiên, tôi cho rằng điều cốt lõi trong việc giải phóng phụ nữ là Giáo dục. Phụ nữ phải được học, được đào tạo và được tạo điều kiện trao dồi kiến thức cũng như… được khẳng định mình.
Không thể ỷ lại chờ đợi một cá nhân hay tổ chức nào giải phóng phụ nữ một cách toàn diện nếu như mỗi người phụ nữ không ý thức được việc phải tự giải phóng chính mình.
Muốn như thế thì kiến thức, trình độ học vấn và sự phấn đấu vươn lên trong mỗi người phụ nữ đóng vai trò then chốt.
Thế hệ trẻ bây giờ có thể tự hào vì có điều kiện tiếp nhận nền tảng học vấn, trao dồi kiến thức trong điều kiện đất nước thanh bình, kinh tế liên tục phát triển và hội nhập nên có lẽ một trong những điểm khác biệt thường thấy của các nữ doanh nhân trẻ bây giờ là được đào tạo bài bản.
Nói như thế không có nghĩa là các thế hệ nữ doanh nhân trước đây không được đào tạo, nhưng chắc chắn sẽ không đầy đủ và thuận lợi như bây giờ.
Lớp doanh nhân trẻ có điều kiện tiếp thu kiến thức tổng hợp nhiều hơn nhờ đó mà họ có thể học kinh nghiệm thực tế nhanh hơn, có thể đốt cháy được giai đoạn, nhất là nếu được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp.
Tốt nghiệp MBA ở Thụy Sĩ, vào làm ở tập đoàn Holcim, tôi được áp dụng những kiến thức đã học vì quản trị doanh nghiệp ở Holcim là quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế. Tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành tài chính ngân hàng trong nước nên tôi cũng đã có sẵn background về tài chính trước khi học quản trị tài chính ở Geneva.
Từ thời phổ thông, tôi đã có ý định theo đuổi lĩnh vực này, học xong, lại được làm đúng ngành, bây giờ tiếp tục làm tiến sĩ. Đây cũng là yếu tố may mắn.
Vừa đi làm, vừa theo đuổi chương trình DBA (Tiến sĩ về Quản lý Kinh doanh – PV), tôi cũng đang bị quá tải. Nhưng phải phấn đấu thôi, không đơn giản chỉ vì học vị, chủ yếu là có lý do chính đáng tạo động lực thật sự để mình có điều kiện nghiên cứu cao hơn và chuyên sâu hơn vào một vấn đề thực tiển mà tôi đang làm.
Tôi mang đến hình ảnh một nữ doanh nhân trẻ tự tin
Vậy đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu vừa rồi, chị đã giới thiệu cho bạn bè thế giới một hình ảnh nữ doanh nhân Việt trẻ tuổi như thế nào? Với những phẩm chất gì?
- Trên đất nước này có rất nhiều nữ doanh nhân tài năng và xứng đáng đại diện cho hình ảnh nữ doanh nhân VN. Hội nghị này cũng chỉ là một trong những sự kiện đặc biệt nên chắc chắn nhiều cô, nhiều chị vì nhiều lý do không tham gia được.
Còn tôi thật ra chỉ được giao nhiệm vụ rất nhỏ trong cả̃ một chương trình lớn mà thôi. Xuất hiện đầu tiên để giới thiệu về bản thân, về công việc, chào mừng ĐB tham dự hội nghị với tư cách là một nữ doanh nhân nước chủ nhà.
Ngoài ra, tôi còn tham gia với tư cách diễn giả tại các phiên chuyên đề khác trong khuôn khổ hội nghị.
Tôi hy vọng sự tự tin của bản thân tôi sẽ phần nào phản ánh hình ảnh một lớp doanh nhân trẻ tự tin sinh ra sau chiến tranh, đại diện cho thế hệ trẻ mới của nữ doanh nhân của Việt Nam.
“Tôi không bao giờ dám liều”
Với những điều kiện như chị vừa nói, thì thành công của người trẻ hiện nay có đến dễ dàng hơn không?
- Không có thành công nào đến dễ dàng, cũng không có một thành quả nào lớn mà lại không bắt đầu xuất phát từ những điều rất nhỏ.
Thường người ta hay nói người trẻ thường “máu”, dám chấp nhận rủi ro. Nhưng có thể do đặc thù hoàn cảnh cá nhân nên tôi rất sợ thất bại, không bao giờ dám liều, làm gì, bao giờ cũng phải lượng sức mình. Giống như “thuyền nhỏ phải biết lựa dòng” vậy. Và biết chắc là sẽ đi lên như người leo núi.
Có lần nào leo núi mà chị bị tuột dốc và phải trả giá chưa?
- Tôi là người thận trọng nên gần như ít mạo hiểm. Có thể mọi người sẽ thấy lạ khi những người theo đuổi nghiệp đầu tư tài chính, chứng khoán như tôi lại không thích mạo hiểm.
Và có lẽ cũng chính vì quá thận trọng nên đương nhiên tôi cũng có thất bại nhưng chưa có thất bại nào quá lớn. Vì nếu đi chậm mà bị ngã thì vẫn có thể đứng dậy được. Chứ nếu đang chạy quá nhanh mà ngã thì… đau lắm!. Tất nhiên là như thế cũng sẽ học được nhiều.
Phương châm làm việc: không giương cao hình ảnh cá nhân
Nhưng như thế là chị sẽ bị bỏ lỡ khá nhiều cơ hội? Và chị đã bao giờ cảm thấy tiếc nuối?
- Do thận trọng quá, thậm chí nhiều lúc hơi… nhát nên cũng có thể đã bỏ qua nhiều cơ hội. Nhưng tôi không tiếc nuối vì đó là lựa chọn của bản thân. Và tôi hay đặt bài toán ngược là, thôi mất cơ hội như vậy nhưng nếu dấn theo, gặp sai lầm gì sẽ phải trả giá và mất lớn hơn, thế nên tôi không hối hận khi mất cơ hội.
Hơn nữa những gì mình đang đạt được cũng đúng như những gì mình dự định, phương châm là đi từ từ, phát triển vừa phải. Cách làm việc của tôi cũng không giương cao hình ảnh cá nhân, vì thành công luôn là kết quả của cả một nhóm cộng sự và đội ngũ.
Nhưng những cộng sự năng lực cao thường đi kèm với cá tính mạnh. Chị còn trẻ như vậy, làm sao quản trị được họ?
- Cách thức quản trị cộng với đặc thù công việc ở đây chủ yếu là là quản trị chất lượng chứ không quản trị quá trình. Nghĩa là không câu nệ quyền lực mà lợi ích của mỗi người gắn với chất lượng công việc. Cách mà mình đặt ra từ đầu là những cộng sự phải gắn cơ nghiệp của họ ở công ty.
Quản lý một nhóm khoảng 120 người nhưng toàn những người trình độ cao về mọi phương diện sẽ khó hơn quản lý một DN khoảng 3.000 lao động thủ công… Nhưng tôi làm được.
Cái chính là do quy trình làm việc. Sâu xa hơn là những quyết định quan trọng đều là quyết định có cân nhắc đến yếu tố tập thể. Và đặc biệt phải luôn học hỏi và trải nghiệm.
Tất nhiên ở tuổi này đòi hỏi trải nghiệm thật nhiều là không thể. Nhưng cả nhóm cùng ngồi lại, mỗi người đều đóng góp những thế mạnh riêng thì công việc sẻ tốt hơn. Sự khác biệt là nền tảng cho những ý tưởng mới.
Không có trách nhiệm với bản thân thì nói gì đến lòng yêu nước
Những người trẻ thường thiếu trải nghiệm, vậy bù đắp điều này thế nào?
- Rất đơn giản, thế mạnh nhất của họ là sức trẻ.
Ở VN hiện nay, phần lớn những người trẻ đều được đào tạo tương đối bài bản. Nếu so sánh với một nữ doanh nhân hơn 12 tuổi, tôi thấy thậm chí để đạt được như ngày nay, tôi biết chị mất tới 10 năm còn những thế hệ như tôi, khoảng thời gian ấy được rút ngắn rất nhiều.
Do yếu tố thời cuộc, những người trẻ tận dụng được những lợi thế về CNTT, về hội nhập quốc tế và được thừa hưởng thành tựu phát triển chung của nền kinh tế.
Cá nhân tôi có sự khởi đầu thuận lợi là được đào tạo liên tục lĩnh vực mình yêu thích, sau đấy lại được làm việc đúng những gì được đào tạo và cứ thế tiếp tục trải nghiệm và tích lũy thêm kiến thức theo đường thẳng đứng.
Kinh nghiệm là thứ người trẻ không thể có ngay được, mà phải cần thời gian. Không nhất thiết phải trải qua thì mới có được kinh nghiêm, nhìn và học hỏi từ kinh nghiệm của người khác cũng là một cách tích lũy.
Như vậy chị có sợ sẽ nảy sinh tâm lý chủ quan và tự mãn?
- Điều này thực tế đang diễn ra trong nhiều người trẻ, đó là tâm lý tự mãn và hưởng thụ. Và đây là vấn đề xã hội.
Theo quan niệm của tôi, những điều này bắt đầu từ nền tảng gia đình và nhận thức của mỗi cá nhân. Thật ra nếu sống không có trách nhiệm với chính bản thân thì đừng nói gì đến lòng yêu nước.
Quan niệm yêu nước của tôi cũng đơn giản: Yêu nước là hiếu thảo với bố mẹ, hòa thuận với anh em, sống có nghĩa có tình và mình không là gánh nặng của gia đình, của tập thể hay của XH.
Tự tôn của người trẻ sẽ quyết định nhiều hành xử
Trên VietNamNet từng diễn ra một cuộc tranh luận giữa những người trẻ có học vấn khá cao, trong đó, có một thành viên từng tuyên ngôn: “Việt Nam đừng trông mong gì vào thế hệ trẻ!”. Bạn nghĩ gì về tuyên ngôn này?
- Tôi phản đối hai tay, vì một tuyên ngôn như vậy vô cùng thiếu trách nhiệm và thiếu căn cứ. Không một QG nào mà không được nối tiếp bằng thế hệ trẻ. Ngay trong 1 nhóm người hay 1 thế hệ, đương nhiên phải có nhiều thành phần với nhận thức và lối sống khác nhau.
Nhưng tôi tin cùng với sự phát triển toàn diện của đất nước, với những giá trị, những chuẩn mực về đạo đức, gia đình như hiện nay thì đại đa số người trẻ đều sống rất trách nhiệm, tâm huyết và tự trọng cao.
Sự tự tôn bản thân trong mỗi người trẻ quyết định nhiều cho hành xử và thao tác công việc. Tôi vẫn lạc quan về tương lai của những thế hệ trẻ đang và sắp làm chủ đất nước.
Vậy cơ chế nào để những người trẻ phát huy hết khả năng và cơ hội, đặc biệt với đội ngũ công chức đang làm việc trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước?
- Trong quá trình cải cách kinh tế, đặc biệt là quá trình CPH doanh nghiệp Nhà nước, cơ cấu sở hữu thay đổi thì định hướng về quản trị và cơ cấu nhân sự cũng phải thay đổi để thích ứng với tình hình, với bối cảnh cạnh tranh mới và nhu cầu đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu. Như thế mới tồn tại và phát triển. Còn trong khu vực công chức nhà nước, tôi nghĩ quá trình lựa chọn người tài đang thay đổi rõ nét và dần hoàn thiện.
Suy cho cùng, vấn đề giáo dục vẫn là cốt lõi. Tôi được biết không ít trường hợp những DN nước ngoài ở VN rất muốn tuyển người bản xứ vào những vị trí cao cấp nhưng khi phỏng vấn và tìm hiểu không ai đạt yêu cầu nên vẫn phải mời đến chuyên gia nước ngoài.
Vẫn còn thiếu đâu đó sự tin tưởng tuyệt đối vào khả năng của… người tài nội địa. Tuy vậy, tôi vẫn lạc quan rằng thực tế này cũng đang thay đổi khi chất xám người Việt đang ngày càng tăng cả về chất và lượng.
Chị đã từng nghĩ đến một ngày sẽ theo đuổi con đường chính trị chưa? Chẳng hạn như mong muốn trở thành nữ Thủ tướng?
- Bản thân tôi nghĩ mình đã có máu… lãnh đạo từ rất bé. Từ lớp một đã làm lớp trưởng, lớp năm đã làm Chi đội trưởng, làm bí thư chi đoàn từ những năm lớp 8, lớp 9 đến suốt những năm PTTH và hoạt động đoàn thể rất tích cực trong những năm ĐH.
Tôi cũng được kết nạp Đảng ngay khi Tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại ĐH Kinh tế Quốc dân HN. Tôi ngưỡng mộ những phụ nữ thành công trong bộ máy nhà nước, nhất là những nữ nguyên thủ quốc gia trên thế giới.
Mặc dù vậy, tôi vẫn cho rằng mình không đủ khả năng để theo nghiệp chính trị. Làm chính trị không phải cứ muốn là được. Tôi đang rất hài lòng với con đường mà mình đang đi…
Lê Nhung (thực hiện)
(Theo www.nguyenbaohoang.net)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét