Trang

Thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt khởi sắc

Sau khi đồng loạt mất điểm trong phiên 16/2, chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 17/2 đã đồng loạt đảo chiều đi lên ngay từ lúc mở cửa phiên, trong bối cảnh các nhà đầu tư tạm quên đi những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực Eurozone sau khi Phố Wall có phiên tăng mạnh đêm trước.

Ảnh minh họa.
Đóng cửa phiên 17/2, tất cả các thị trường trong khu vực đều đồng loạt tăng điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa nhích nhẹ 0,32% lên 2.357,18 điểm.

Màu xanh cũng bao phủ trên hai thị trường lớn khác của khu vực là Nhật Bản và Hong Kong. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 mở cửa tăng vọt ngay hơn 2% (+2,02%) lên 9.424,74 đểm - mức cao nhất của chỉ số này trong vòng 6 tháng qua và chốt phiên ở mức 9.384,17 điểm, tăng 1,58%, tương đương cộng thêm 146,07 điểm.

Phiên này, các nhà đầu tư Nhật Bản được cổ vũ bởi các số liệu tích cực mới công bố ngày 16/2 từ nền kinh tế đầu tàu Mỹ cùng việc ngân hàng trung ương nước này bất ngờ nới lỏng tín dụng vào đầu tuần, nên đã mạnh tay mua vào cổ phiếu. Tương tự, tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng cũng bật tăng từ đầu cho tới cuối phiên, với mức tăng 214,34 điểm (+1,01%) lên 21.491,62 điểm.

Các thị trường lớn khác như Australia, Hàn Quốc, Đài Loan và Phần Lan cũng đều tăng điểm, với các mức tăng lần lượt là 0,33%; 1,30%; 1,91% và 0,1%.

Chứng khoán châu Âu mở cửa phiên cùng ngày cũng đồng loạt khởi sắc, khi cả ba chỉ số chính của khu vực đều bật xanh trở lại, với FTSE 100 của London đang tạm dẫn 0,46%; CAC-40 của Paris thêm 0,96% và DAX 30 của Đức tiến thêm 0,87%.

Trong một thông báo gửi tới khách hàng, Barclays Capital nhận định rằng Mỹ đang tiếp tục là một trong những điểm sáng nhất của kinh tế toàn cầu, trong khi tình hình của Hy Lạp đã bớt u ám. Những tiến triển mới nhất này đã khích lệ tinh thần của các nhà đầu tư, khiến tâm lý ưa thích đầu tư mạo hiểm quay trở lại.

Ngoài ra, thị trường còn được hậu thuẫn bởi thông tin cho biết Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có kế hoạch hoán đổi các trái phiếu nợ của Hy Lạp mà họ nắm giữ lấy những trái phiếu mới khi các cuộc đàm phán về vấn đề tái cấu trúc nợ của Hy Lạp được hoàn tất. Kế hoạch này khiến Athens tiến gần hơn tới khả năng được nhận gói cứu trợ lần hai của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đồng nghĩa với việc khả năng vỡ nợ được tạm thời lùi xa.

Đêm trước (16/2) tại Phố Wall, chứng khoán Mỹ cũng đảo chiều bật lên mạnh mẽ khi thị trường đón nhận những số liệu kinh tế tích cực. Lượng người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước tiếp tục giảm đi và rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2008, trong khi lĩnh vực xây dựng nhà trong tháng Một vừa qua cũng bắt đầu cho thấy xu hướng hồi phục.

Đóng cửa phiên ngày 16/2, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều tăng mạnh, trong đó Dow Jones Industrial Average ghi thêm 122,76 điểm (+ 0,96%) lên 12.903,71 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 5/2008 đến nay; trong khi S&P 500 tiến thêm 14,82 điểm (+1,10%) lên 1.358,05 điểm và Nasdaq tăng thêm 44,02 điểm (+1,51%) lên 2.959,85 điểm.

Tuy nhiên, ngược lại với sự phục hồi mạnh của Phố Wall, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cùng ngày hầu như lại chìm trong sắc đỏ do các nhà đầu tư không còn hứng thú với việc đầu tư vào các tài sản rủi ro như cổ phiếu khi họ ngày càng lo ngại hơn về tình hình Hy Lạp. Những số liệu tích cực của kinh tế Mỹ phần nào cải thiện được tâm lý của giới đầu tư và góp phần vực dậy các thị trường vào cuối phiên.

Đóng cửa phiên 16/2, FTSE 100 của London giảm 0,12% xuống 5.885,38 điểm; DAX 30 của Đức lùi nhẹ 0,09 xuống 6.751,96 điểm, song CAC-40 của Paris lại tăng nhẹ 0,09% lên 3.393,25 điểm. Các thị trường lớn khác trong khu vực cũng giảm điểm, với Milan để mất 0,87% và Madrid lùi 2,1%./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét