Từ ngày 11 – 14.10 tại TP.HCM sẽ diễn ra Hội nghị Thương mại về công nghệ 2010. Ông Nguyễn Bảo Hoàng, Tổng giám đốc điều hành Quỹ IDG Ventures Vietnam (IDG VV), đơn vị đã có công đưa sự kiện này từ Mỹ về VN, trao đổi với Thanh Niên.
* Đã 3 lần được tổ chức ở Mỹ, tới lần thứ 4 thì chuyển đến VN. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?
- Thật ra, chúng tôi đã dự định đưa hội nghị này về VN từ vài năm trước. Tuy nhiên, thời điểm chưa tốt do các vấn đề liên quan tới hậu cần. Còn hiện tại là thích hợp, bởi các hạn chế đó đã được khắc phục và thị trường công nghệ ở ta cũng đã phát triển. Tôi còn nhớ, 6 năm trước, khi IDG VV được thành lập ở VN, số lượng người sử dụng internet chỉ khoảng 3,6 triệu. Nhưng tới năm 2010, con số này đã lên đến 26 – 27 triệu, gấp 7 – 8 lần chỉ trong vòng 6 năm thì quả là rất nhanh. Số người sử dụng điện thoại di động cũng vậy, từ 6 – 7 triệu lên đến hơn 50 triệu. Theo nhìn nhận của tôi, so với các nước trên thế giới, tốc độ phát triển công nghệ của VN đứng hàng đầu, có thể nói là trong nhóm 3 nước phát triển nhanh nhất. Sự quan tâm của các doanh nghiệp công nghệ bên ngoài đối với VN cũng rất lớn, vốn đã được chứng minh trong thực tế khi các đại gia công nghệ trong lĩnh vực sản xuất đã vào đầu tư như Intel, Canon, Samsung…, bên cạnh các công ty nghiên cứu công nghệ. Thị trường tiêu dùng công nghệ VN từ lâu cũng được các công ty bên ngoài đánh giá cao, đầy triển vọng.
Hội nghị Thương mại về công nghệ 2010 do Savvi (Strategic Alliance Vietnamese Ventures International) tổ chức, diễn ra tại khách sạn New World, TP.HCM; Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG VV (quản lý nguồn tài chính 100 triệu USD), DFJ VinaCapital (chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ ở giai đoạn tiền và đang tăng trưởng) và IBM là các nhà tài trợ chính.
* Những đại gia công nghệ nào sẽ có mặt tại hội nghị và các sự kiện nào sẽ được nhấn mạnh ở đây, trong một hội nghị mang tính chuyên đề như vậy?
- Đó là IBM, Intel, Sysco, Google, Yahoo… Tuy nhiên, theo tôi, các doanh nghiệp công nghệ VN mới là quan trọng đối với hội nghị. Bởi họ sẽ tạo ra sự tương tác với các doanh nghiệp bên ngoài, từ đó những cơ hội kinh doanh, hợp tác sẽ được mở ra.
Hội nghị sẽ tập trung vào những nội dung chính về môi trường kinh doanh công nghệ, các vấn đề liên quan đến vòng đời đầu tư, các cơ hội kinh doanh công nghệ ở VN. Ngoài ra, những chủ đề của các cuộc hội thảo trong khuôn khổ hội nghị sẽ thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Chẳng hạn, hội thảo về vai trò của Chính phủ trong việc hỗ trợ sự phát triển đối với những công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, hạ tầng pháp lý và chính sách thuế; Các mẫu mô hình đổi mới tại một số thị trường khác và làm thế nào để vận dụng địa phương hóa vào VN; Dịch vụ phần mềm và làm thế nào VN được định vị sẽ đóng vai trò chính yếu trong lĩnh vực này; Vai trò của truyền thông trên thị trường với số lượng người tiêu dùng đang gia tăng nhanh chóng ở VN…
* Đầu tư mạo hiểm giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghệ. Vậy thưa ông, các vấn đề về đầu tư mạo hiểm sẽ được đề cập ra sao trong hội nghị?
- Đấy là một chủ đề quan trọng, tôi cho là vậy. Chúng tôi dành hẳn một hội thảo về đầu tư mạo hiểm vào công nghệ. Cụ thể là bằng cách nào để thu hút các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm bỏ vốn vào các công ty nội địa và làm gì để xây dựng nguồn vốn đầu tư mạo hiểm hoàn toàn ở trong nước. Cụ thể, chúng tôi sẽ lý giải vai trò của vốn đầu tư mạo hiểm ở một số thị trường như Mỹ, Nhật…; các vấn đề mà quỹ đầu tư mạo hiểm gặp phải ở VN…
N.Trần Tâm
(Theo website Nguyễn Bảo Hoàng )